Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người dân U Minh Hạ: Sống được khi không bám vào cây tràm

(10:58:26 AM 22/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Cây tràm không đem lại hiệu quả kinh tế cho đời sống của người dân vùng U Minh Hạ (Cà Mau), trong khi cây lúa mùa một vụ lại bấp bênh.

 

Không thể ngồi than vãn cho số phận của mình, người dân vùng U Minh Hạ đã tìm đủ mọi cách để mưu sinh. Chính từ sự bươn chải, khát khao của bà con đã làm cho một số doanh nghiệp chú ý đến: Đặt trạm thu mua những sản vật vùng U Minh Hạ, nhờ đó bước đầu tạo điều kiện cho người dân sống được nơi cánh rừng tận cùng tổ quốc này.

 

Triển vọng từ cây chuối

 

Không thể ngồi chờ 10-15 năm thu hoạch cây tràm với mức lợi nhuận được chia chưa tới 10 triệu đồng/ha từ các Cty lâm nghiệp. Cũng chẳng trong mong gì cá đồng nổi như mù u của cái thời huyền thoại rừng U Minh. Cũng không thể sống được từ một vụ lúa mùa bấp bênh năm trật năm hụt. Vì vậy, người dân sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ đã bắt đầu tìm tòi những cây trồng, vật nuôi phù hợp cho vùng đất quanh năm nước đỏ do phèn tiềm tàng. Cơ duyên thật sự đối với người dân nơi đây lại là cây chuối - một loại cây trồng trước đây chỉ để lấy quả ăn chơi.

 

Ông Nguyễn Văn Quốc ở ấp Cơi Năm (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) không thể ngờ rằng hàng chuối mình trồng cặp hai bên đường Cà Mau - Hòn Đá Bạc lại có giá trị hơn hẳn 10 công lúa của mình. Ông mừng ra mặt: “Trước đây trồng chuối để ăn hoặc bán cho hàng xóm, một nải được 1.700 đồng là mừng lắm rồi. Bây giờ người ta thu mua một ký đến 1.800 đồng lận. Bao nhiêu cũng mua hết trơn”.

 

Cũng trồng chuối, nhưng anh Nguyễn Văn Quang ở ấp Kinh Đứng (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có đến 500 bụi cặp lộ và trên bờ bao vườn nhà. Cứ 15-20 ngày, anh thu hoạch một đợt bán gần 3 triệu đồng. Anh cho biết: “Ở đây cây lúa trồng rất khó do phèn còn tiềm tàng, một năm chỉ một vụ năng suất chưa đến 20 giạ/công tầm lớn nên đời sống rất khó khăn. Cả gia đình tôi 2 năm nay sống được từ cây chuối”.

 

Cây chuối U Minh Hạ được giá là do một phần chất lượng chuối ở đây khá cao và được Cty Vinamit đặt trạm thu mua với giá hợp lý. Ông Phạm Nhật Tú - Trưởng trạm thu mua của Cty Vinamit tại đây - cho biết: “Thời điểm vào mùa, chúng tôi thu mua đến 20 tấn/ngày, còn bình thường từ 5-7 tấn/ngày. Giá chuối chúng tôi thu mua từ 1.800-2.800 đồng/kg”.

 

Theo Sở NNPTNT Cà Mau, cây chuối thích nghi tốt với nhiều loại đất khác nhau. Tại vùng U Minh Hạ, cây chuối sống và phát triển tốt ở nhiều nơi. Khả năng có đến trên 30.000ha đất tại Cà Mau phát triển được cây chuối.

 

Nông dân vùng U Minh Hạ vận chuyển chuối vừa thu hoạch.                     Ảnh: N.H
Nông dân vùng U Minh Hạ vận chuyển chuối vừa thu hoạch. Ảnh: N.H

 

Cây trồng không “họ hàng” với U Minh Hạ

 

Một trong những cây không “dính dáng” gì đến vùng U Minh Hạ đã được anh Nguyễn Văn Hận ở xã Khánh Lâm (huyện U Minh) “du nhập” về đây là cây gừng. Cây gừng đã thật sự giúp anh Hận làm giàu. Sau khi thử nghiệm nhiều loại cây trồng không mấy thành công, đầu năm 2009 anh Hận bắt đầu trồng gừng thương phẩm với diện tích trên 1,5ha. Không ngờ cây gừng lại “chịu” được đất này.

 

Anh cho biết: “Cây gừng rất thích hợp với vùng đất này do xung quanh đây có rất nhiều “thực bì” từ mụn cây làm phân bón cho gừng. Kỹ thuật trồng cũng không quá khó đối với nông dân”. Với 1,5ha gừng, mỗi năm anh Hận thu về trên 100 triệu đồng từ nguồn lợi này. Học theo anh Hận, nhiều bà con ở đây cũng trồng gừng. Người ít đất thì trồng ngay trước sân nhà, xung quanh vườn. Hiện tại giá gừng từ 20.000-25.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng U Minh Hạ.

 

Ngoài cây chuối, cây gừng, người dân 2 xã Khánh Lâm, Khánh Hội còn tận dụng đất mùn, đất than bùn tại vùng U Minh để trồng dây thuốc cá bên rìa rừng tràm, cho thu nhập đáng kể. Thuốc cá là loại dây leo rất phù hợp với đất than bùn. Thị trường tiêu thụ rộng, bởi nhiều người nuôi tôm tại vùng bán đảo Cà Mau vẫn chuộng dây thuốc cá tự nhiên để xử lý ao tôm, thuốc cá trong ao hơn là hóa chất.

 

Ông Tô Quốc Nam - Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau - cho biết, hiện Cà Mau đã cơ bản giao đất, giao rừng cho người dân. Đối với những diện tích rừng lớn tỉnh cũng đã giao cho các Cty lâm nghiệp quản lý, khai thác, sử dụng theo đúng quy định của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, đời sống của người dân nhận khoán của các Cty lâm nghiệp hầu hết còn khó khăn, thu nhập thấp hơn mức trung bình ở các khu vực khác. Để người dân sống được từ mảnh đất đã nhận khoán, nơi nào trồng lúa khó khăn, tỉnh khuyến khích người dân trồng, nuôi các loại cây trồng - vật nuôi khác phù hợp với địa phương.

 

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra những bộ giống chuối mới để vừa có năng suất cao vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” - ông Nam nhấn mạnh.

 

Được biết, Cà Mau cũng chính thức kêu gọi các doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi trong việc phát triển dự án kinh doanh rừng ngoài việc trồng và bảo vệ rừng. Đó là các dự án cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, trồng chuối năng suất cao, trồng đậu bắp thương phẩm... Trong khi chờ đợi những dự án đang kêu gọi đầu tư, để có cuộc sống ổn định nơi đất rừng U Minh Hạ, người dân nơi đây đã tự cứu lấy mình bằng cách tìn tòi những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng kinh tế của gia đình họ. Dẫu không làm giàu, nhưng với sự cần cù, chịu khó lao động và sự lựa chọn loại cây trồng phù hợp, người dân U Minh Hạ sẽ sống được ở nơi “sơn cùng thủy tận này”.

 

Nhật Hồ (Lao Động)