Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việc chiếm đoạt đất đai đang đẩy người dân vào cảnh đói nghèo - Ảnh minh họa
Trong báo cáo Đất đai và Quyền lực, Oxfam đưa ra kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy có đến 227 triệu ha đất đã được bán, cho thuê hoặc được cấp giấy phép trong các giao dịch đất quy mô lớn từ năm 2001, chủ yếu với các nhà đầu tư quốc tế. Việc lấy được con số chính xác rất khó khăn do sự thiếu minh bạch và dấu diếm thông tin của các giao dịch đất, nhưng 1.100 giao dịch chiếm khoảng 67 triệu ha đã được kiểm chứng. Một nửa trong số các giao dịch đất đó xảy ra ở châu Phi, và số đất được mua bán tương đương với diện tích của nước Đức.
Oxfam cảnh báo đây là xu hướng đầu tư đất đai mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất đủ lương thực cho người nước ngoài, cho nhiên liệu sinh học, hoặc đầu cơ về đất đai để thu lợi nhuận dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều giao dịch đó trên thực tế là chiếm đất vì quyền và nhu cầu của người dân đang sống trên mảnh đất đó không được xem xét, làm cho họ vô gia cư và không có đất để sản xuất lương thực để ăn và tạo thu nhập.
Điều này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vì nhu cầu gia tăng về lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và các cây trồng phi lương thực như nhiên liệu sinh học đều cần có đất. Đã có gần ba tỷ người sống trong các khu vực nơi mà nhu cầu về nước đang vượt quá khả năng cung cấp.
Ông Jeremy Hobbs, Giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế cho biết: "Tốc độ chưa từng có của các giao dịch đất đai và sự cạnh tranh gia tăng đối với đất đang làm cho người nghèo nhất thế giới khó khăn hơn. Trong sự tranh giành thêm đất, các nhà đầu tư không hề màng đến những người hiện đang sinh sống và phụ thuộc để tồn tại trên mảnh đất họ muốn mua."
Báo cáo của Oxfam chỉ ra tác động nghiêm trọng của việc chiếm đất ở Uganda, Nam Sudan, Indonesia, Honduras và Guatemala đang gây ra cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Báo cáo này là một phần của chiến dịch toàn cầu GROW mà Oxfam phát động nhằm mục đích để bảo đảm một tương lai mà mọi người đều có đủ để ăn. Phụ nữ, những người sản xuất đến 80% lương thực ở nhiều nước nghèo, thường dễ bị tổn thương nhất khi quyền sử dụng đất của họ bị mất đi.
Tại Uganda, nghiên cứu của Oxfam cho thấy có ít nhất 22.500 người đã mất nhà cửa và đất trồng trọt để làm đồn điền cho một công ty gỗ của Anh, Công ty New Forests. Nhiều người bị mất đất chia sẻ với Oxfam là họ đã bị buộc phải chuyển đi và gặp không ít thiếu thốn, không đủ ăn hoặc không có tiền để cho con đi học. Công ty New Forests phủ nhận việc họ liên quan đến việc buộc người dân phải rời bỏ đất đai họ đang sinh sống mặc dù lệnh của tòa án có đề tên công ty này và nhiều nhân chứng nói rằng họ tận mắt nhìn thấy công nhân của công ty này trực tiếp tham gia vào việc buộc người dân rời khỏi nơi họ sinh sống.
Chị Christine, một nông dân khoảng 45 tuổi, là người trước khi mất đất sống ở huyện Kiboga của Uganda cho biết: "Tất cả các ruộng vuờn của chúng tôi bị chặt bỏ - chúng tôi bị mất hết chuối và sắn. và mất tất cả những gì chúng tôi đã có. Nhiều công nhân thời vụ của công ty đó tấn công chúng tôi – họ đánh đập và đe dọa. Ngay cả bây giờ họ không để cho chúng tôi quay lại để tìm đồ đạc chúng tôi phải bỏ lại. Tôi đã bị đe dọa - họ nói với tôi họ sẽ đánh tôi nếu chúng tôi không chuyển đi".
Ông Hobbs cho biết: "Trường hợp Uganda rõ ràng cho thấy việc chiếm đất vượt qua các biện pháp hiện có nhằm đảm bảo việc bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương. Hàng ngàn người đang phải chịu đựng vì họ đã bị đuổi ra khỏi đất đai của họ mà không được hỏi ý kiến hoặc được bồi thường một cách thiết thực”.
"Công ty New Forest tự nhận là một công ty có đạo đức, tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế. Họ cần khẩn trương xem xét lại tuyên bố này. Đây là điều không thể chấp nhận được khi các công ty đổ lỗi cho chính phủ. Họ phải tôn trọng nhu cầu và quyền của các cộng đồng nghèo bị ảnh hưởng do chính đầu tư của họ."
Ông Hobbs cho biết: "Đầu tư đất đai lẽ ra phải là điều tốt cho người nghèo nhưng việc tranh giành điên cuồng đem đến nhiều rủi ro làm đảo ngược sự phát triển. Chúng ta cần hành động khẩn cấp toàn cầu để người dân nghèo không mất tất cả vì lợi ích của một vài cá nhân, và để bảo đảm một tương lai để mọi người đều có đủ ăn".
Oxfam kêu gọi các nhà đầu tư, chính phủ và các tổ chức quốc tế cần nhanh chóng đưa ra biện pháp để chấm dứt ngay việc chiếm đất bằng cách thay đổi các chính sách và quy định hiện hành để khi các nhà đầu tư đàm phán giao dịch họ phải đảm bảo được việc người dân địa phương được lấy ý kiến, đối xử công bằng, và tất cả tiêu chuẩn quốc tế có liên quan được tôn trọng. Các hướng dẫn này gồm Tiêu chuẩn tài chính cho các công ty của Ngân hàng Thế giới, và tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng.