Phân biệt đối xử!
Quá bất ngờ và lo lắng, những người dân không có hộ khẩu ở Đồng Nai đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết. Đến ngày 18-8, ông Dương Văn Pháp, Chủ tịch UBND xã Phước An, ra thông báo khẳng định đợt 1 đã giải quyết đền bù dứt điểm cho tất cả các hộ dân trong và ngoài tỉnh có hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đợt 2 chỉ chi trả hỗ trợ cho các hộ dân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, còn các hộ dân của TPHCM và các tỉnh khác sẽ không chi hỗ trợ!
Nhiều điểm chưa hợp lý
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách giải quyết của Đồng Nai còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Thứ nhất, thực tế là các lâm trường của tỉnh này không trực tiếp canh tác mà giao đất lại cho người dân canh tác và thu thuế, vì thế những thiệt hại do ô nhiễm từ nước thải của Công ty Vedan chính người dân canh tác phải gánh chịu, trong đó có khá nhiều người dân các tỉnh khác đến canh tác, sản xuất. Chưa kể, những hộ dân canh tác tại các lâm trường, không có hợp đồng chỉ được giải quyết 50% thiệt hại.
Thứ hai, theo cách tính của tỉnh Đồng Nai thì trên 6.000 hộ dân của tỉnh này chỉ thiệt hại có 38 tỉ đồng (số tiền người dân được chi trả trong đợt 1 trong tổng số 120 tỉ đồng Vedan bồi thường cho Đồng Nai), trong khi đánh giá của Viện Môi trường - Tài nguyên, hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch của Đồng Nai nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng và ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, nếu so với mức bồi thường 53 tỉ đồng của Vedan dành cho 1.200 hộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 42,5 tỉ đồng dành cho gần 900 hộ tại TPHCM (nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm - thấp nhất trong ba mức mà Viện Môi trường - Tài nguyên đưa ra), hóa ra các hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm nhiều lại ít thiệt hại nhất?
Hội Luật sư xin bù kinh phí hỗ trợ pháp lý
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về việc trích trong phần kinh phí 1 tỉ đồng do Công ty Vedan thanh toán chi phí điều tra, xác minh thiệt hại để hỗ trợ cho các luật sư, luật gia tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý vụ Vedan. Ông Nguyễn Đức, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết lúc đầu chủ trương của Đoàn Luật sư là hỗ trợ miễn phí cho hơn 5.000 nông dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, do tốn nhiều công sức nên đoàn luật sư đã có văn bản đề nghị tỉnh bù thêm cho các luật sư tiền giấy mực, xăng xe... theo quy định của Bộ Tài chính về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo. “Mỗi trường hợp khoảng vài chục ngàn đồng, tính ra trên 100 triệu đồng nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo tỉnh” - ông Đức cho biết. |