Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thế mới là tư lệnh !

(09:33:32 AM 22/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”. Lời cảnh báo nghiêm khắc của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với các “ông lớn” xăng dầu tại cuộc hội thảo về giá xăng dầu ngày 20-9 làm nức lòng dư luận cả nước.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (trái) trong hội thảo
“Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” diễn ra vào ngày 20-9

 

Lời cảnh báo đã thể hiện cái uy của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, dù đó là các “ông lớn” đang giữ vai trò chi phối toàn bộ thị trường xăng dầu trong nước. Lời cảnh báo ấy đã cho thấy bản lĩnh, sự quyết đoán của tân Bộ trưởng Tài chính vì lợi ích chung của người dân và nền kinh tế. Đằng sau những lời ngợi khen, ủng hộ của mọi người dành cho vị tân bộ trưởng có thể thấy thấp thoáng cả niềm tin và sự kỳ vọng.

 

Lâu nay, người dân cả nước không khỏi bức xúc vì giá xăng dầu trong nước. Bức xúc vì giá cả leo thang chỉ là một phần. Bức xúc nhất chính là tình trạng thiếu minh bạch giá xăng dầu. Lúc lên thì nhảy vọt nhưng khi xuống lại nhỏ giọt. Giá thế giới xuống, giá trong nước vẫn neo ở mức cao chót vót vì doanh nghiệp cứ than lỗ…

 

Để giải tỏa bức xúc trên, người dân chẳng còn sự lựa chọn nào khác là trông cậy vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nhưng, không khỏi thất vọng khi cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu là “gật” trước đề nghị tăng giá của doanh nghiệp, chứ hiếm khi phát lệnh buộc họ phải hạ giá.

 

Cách điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian khiến dư luận đặt câu hỏi điều hành như vậy phục vụ lợi ích của ai, doanh nghiệp hay người dân và nền kinh tế? Dư luận đã thấy được câu trả lời qua những phát biểu của các quan chức Bộ Công Thương trong cuộc hội thảo ngày 20-9.

 

Độc quyền kinh doanh, chi phối thị trường xăng dầu chỉ có thể mang lại lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Những hệ lụy của nó mà người dân, nền kinh tế phải gánh chịu đó là từ việc tăng giá xăng (chứ ít khi giảm) đó là kéo theo việc tăng giá rất nhiều mặt hàng khác, dẫn đến lạm phát. Phá những lợi ích liên kết nhằng nhịt này không dễ.

 

Lời cảnh báo “Doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước” của Bộ trưởng Vương Đình Huệ với những “ông lớn” xăng dầu dọa rút khỏi thị trường nếu bị ép giảm giá bán vì thế chẳng khác nào lời tuyên chiến với lợi ích nhóm.

 

“Chiến đấu” với những lợi ích đã ăn sâu bám rễ luôn vô cùng khó khăn, không loại trừ tiềm ẩn cả mối nguy. Thế nhưng, vị tân Bộ trưởng Tài chính vẫn quyết đương đầu với tâm niệm “vì quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của hàng triệu con người”.

 

 “Tuyên chiến” với các “ông lớn” xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chọn nơi thách thức lớn để thực hiện cam kết của mình. Cũng chỉ đúng một ngày sau lời “tuyên chiến” của vị tư lệnh, Bộ Tài chính đã tức khắc ký quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex, PV Oil và 2 doanh nghiệp đầu mối khác.

 

Nói và làm quyết liệt như Bộ trưởng Vương Đình Huệ mới đúng là một vị tư lệnh.

 

PHẠM DƯƠNG (Người Lao Động)