Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thông tin tài nguyên môi trường biển cần trở thành tài sản quốc gia

(08:11:45 AM 21/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường (TN&MT) các vùng biển Việt Nam là nhu cầu cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng trên, đưa công tác quản lý dữ liệu biển vào hệ thống.

  

      Thông tin tài nguyên môi trường biển cần trở thành tài sản quốc gia - Ảnh minh họa

 

Là lĩnh vực mới được thành lập, còn rất non trẻ nhưng qua hơn 70 năm hoạt động điều tra cơ bản, khảo sát biển, đặc biệt quan trọng là từ những năm 60 tới nay, các cơ quan quản lý, nghiên cứu biển ở nước ta đã thu được một khối lượng lớn số liệu, dữ liệu về TN&MT biển Việt Nam.

 

Đây là vốn dữ liệu quý về biển, tuy nhiên chưa được quản lý sử dụng thống nhất. Thông tin dữ liệu còn nằm phân tán ở nhiều ngành (thông thường cơ quan đơn vị sản xuất dữ liệu trực tiếp lưu giữ quản lý dữ liệu), chưa được tổ chức quản lý thành hệ thống để phục vụ tra cứu, cung cấp tạo nguồn thông tin tin cậy cho hoạt động quản lý, nghiên cứu và ra quyết định.

 

Thông tin dữ liệu còn nằm phân tán ở nhiều Bộ, ngành, chưa được tập trung quản lý. Khối lượng dữ liệu điều tra khảo sát biển hiện có ở các cơ quan là rất lớn, song việc lưu trữ, quản lý hiện nay ở các cơ quan lại rất khác nhau. Các quy định về giao nộp, sử dụng dữ liệu ở nhiều cơ quan còn chưa chặt chẽ, chất lượng dữ liệu còn chưa kiểm soát đánh giá được.

 

Nhiều cơ quan còn chưa hình thành được bộ phận chuyên trách quản lý dữ liệu, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc thu nhận, lưu giữ, kiểm soát chất lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu. Hệ quả tất yếu là tình trạng nắm giữ riêng thông tin, không sẵn sàng chia sẻ thông tin là phổ biến trong hệ thống các cơ quan có liên quan, nhiều cơ quan coi thông tin như tài sản riêng của mình, chưa tạo điều kiện thuận lợi trao đổi thông tin với các cơ quan khác. Thông tin dữ liệu TN&MT chưa thực sự trở thành tài sản chung của quốc gia.

         

Có nhiều nguyên nhân, song trước hết là nguyên nhân về thể chế. Quản lý TN&MT biển là vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng và trên thực tế đã được lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên đến trước Nghị định 101/2007/NĐ-CP nước ta chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng về quản lý TN&MT biển nói chung và chính sách quản lý thông tin tư liệu TN&MT biển nói riêng; Chưa có một khuôn khổ thể chế bao gồm những luật lệ, quy chế rõ ràng, chặt chẽ về việc giao nộp, quản lý, cung cấp, sử dụng tư liệu, dữ liệu áp dụng chung cho các cơ quan liên quan và thống nhất trên cả nước. Nghị định ra đời đã tạo ra cơ sở đầu tiên cho việc đưa quản lý dữ liệu TN&MT biển vào một khung pháp lý vững chắc.

         

Mặc dù số lượng rất lớn song vấn đề quan trọng không kém là chất lượng dữ liệu: Dữ liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Có tình trạng thông tin vừa thiếu lại vừa thừa, nhiều trường hợp các thông tin cần thu thập rất thiếu, trong khi thông tin đã thu thập lại chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có số liệu còn mâu thuẫn nhau. Để có thể đưa vào quản lý sử dụng dữ liệu phải đánh giá chất lượng dữ liệu để đảm bảo dữ liệu đã công bố được thẩm định, có được giá trị pháp lý.

         

Trình độ kỹ thuật của việc quản lý dữ liệu ở các cơ quan không đồng đều. Khối lượng lớn thông tin được lưu trữ một phần ở dạng dữ liệu thô, một số đã có ở dạng số, có khi còn ở dạng giấy, nhưng nói chung chưa được tổ chức hợp lý làm chậm chạp và phức tạp trong việc tìm kiếm, chưa thuận tiện cho người quản lý hay cho công chúng khai thác sử dụng tư liệu. Đã có những áp dụng công nghệ thông tin nhưng chưa theo một định hướng thống nhất, chưa sử dụng được nhiều các kỹ thuật hiện đại như quản trị cơ sở dữ liệu và phân phối thông tin trên mạng, Internet, GIS,...

         

Các dữ liệu biển được thu thập theo các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản hiện nay thường được lưu trữ trên một số khuôn dạng chuẩn theo từng lĩnh vực chuyên môn, chưa hướng đến chuẩn thống nhất quốc gia và quốc tế. Dữ liệu chưa theo chuẩn thống nhất gây khó khăn cho trao đổi, sử dụng và hội nhập.

         

Dữ liệu biển thể hiện tính chất không gian còn yếu, chưa có một bộ bản đồ nền biển làm cơ sở cho các hoạt động điều tra về các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, các kết quả điều tra đã có chưa có độ chính xác vị trí cao và thống nhất về mặt định vị không gian, gây khó khăn cho phân tích và quản lý tổng hợp dữ liệu của các lĩnh vực khác nhau, hạn chế trong hợp tác quốc tế và xác định ranh giới lãnh thổ.

 

Nói chung, tình hình quản lý dữ liệu biển, trình độ kỹ thuật về quản lý, khai thác sử dụng ở nước ta còn chậm so với trình độ phát triển của thế giới về tất cả các mặt: khuôn khổ pháp lý, tổ chức và kỹ thuật, công nghệ. Cho đến trước Nghị định 101, Nhà nước chưa có một chính sách rõ ràng toàn diện, thống nhất về quản lý và khai thác dữ liệu biển, chưa có được hệ thống quy định chặt chẽ được các cơ quan các ngành tuân thủ, vì vậy chưa thường xuyên nắm được tình hình dữ liệu biển hiện có trong từng giai đoạn để có quyết định đúng trong việc đầu tư điều tra khảo sát. Cũng chưa có một tổ chức được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý dữ liệu biển cấp quốc gia làm nòng cốt và điều hành việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tham gia hoạt động trao đổi dữ liệu hải dương quốc tế trên danh nghĩa quốc.

 

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo đang là đơn vị đầu mối thiết kế, xây dựng và triển khai đề án tổng thể, Dự án "Xây dựng, hệ thống hoá cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, TN&MT các vùng biển Việt Nam" được lập kế hoạch từ năm 2007 đến năm 2011 và tầm nhìn đến 2020, bao gồm 2 giai đoạn:
 

Giai đoạn 1 (2007 - 2011): Hoàn thành cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu và quy chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản và quản lý TN&MT biển.

 

Giai đoạn 2 (2012 - 2020): Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao, kiện toàn cơ chế hoạt động của tổ chức.

 

Kết quả giai đoạn 1 của Dự án cơ sở dữ liệu biển quốc gia sẽ cấp phát một phần danh mục dữ liệu liên quan đến lĩnh vực biển, làm đầu vào cho cơ sở dữ liệu chính sách TN&MT. Yêu cầu đặt ra ở đây cần có sự thống nhất về chuẩn hóa dữ liệu trao đổi trong hệ thống danh mục, là nguyên tắc cơ bản cho việc tích hợp dữ liệu vào cơ sở dữ liệu chính sách TN&MT.   

Xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, TN&MT các vùng biển Việt Nam là nhu cầu cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng trên, đưa công tác quản lý dữ liệu biển vào hệ thống. Qua đó Nhà nước thực hiện việc thống nhất quản lý thông tin tư liệu điều tra cơ bản về biển trong cả nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng dữ liệu biển trong hoạt động của các ngành, chấm dứt tình trạng phân tán, sở hữu cục bộ gây lãng phí, khó khăn trong công tác tư liệu về biển tồn tại từ trước tới nay cũng như hội nhập quốc tế trong quan hệ trao đổi dữ liệu biển.

đoàn hồng minh