Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rong Mơ - nguồn lợi kinh tế lớn đang bị đe dọa

(10:22:33 AM 20/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Các bãi triều ven biển miền Trung là nơi tập trung rong Mơ lớn nhất cả nước với sản lượng khai thác tự nhiên hàng năm khoảng 20000 tấn khô. Tuy nhiên hiện nay người dân đang khai thác nguồn lợi này một cách tự phát, khiến rong Mơ có thể bị suy giảm hoặc biến mất.

Rong Mơ - Nguồn lợi kinh tế lớn đang bị đe dọa - Ảnh minh họa

 

 

Nguồn lợi từ rong Mơ

 

Tại Việt Nam, rong Mơ là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất alginate, manitol và fucoidan – những chất có tác dụng tan đông cục máu, tăng cường tính miễn dịch, kháng ung thư, kháng virut, phòng chống và giảm tiểu đường, cao huyết áp, viêm loét dạ dày. Loài rong này còn đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm nước ven bờ, làm nơi trú ngụ cho nhiều động vật biển khỏi bị ăn thịt cũng như là bãi đẻ cho các loài hải sản có giá trị.

 

Rong mơ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân vùng ven biển miền Trung. Hàng năm, sản lượng rong Mơ được khai thác khoảng 20000 tấn khô. Phần lớn rong khô được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch với giá 12000/kg. Do lợi nhuận khá cao nên người dân ven biển đã khai thác quá mức, tự phát, đẩy rong Mơ rơi vào tình trạng suy giảm, nguy cơ sẽ cạn kiệt dần. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha trang, Khánh Hòa là tỉnh có mức độ khai thác lớn nhất với 7.300 tấn khô/năm.

 

Giải pháp phát triển bền vững nguồn lợi rong Mơ

 

Rong Mơ có chu kỳ sinh trưởng, phát triển và tàn lụi nên nếu không được khai thác, chúng cũng tự tàn lụi và gây ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên khi nó mang lại lợi ích kinh tế thì chúng luôn chịu áp lực khai thác cạn kiệt. Giải pháp cho nguy cơ này là nâng cao công tác quản lý, đặc biệt là phương pháp cộng đồng cùng quản lý để tăng cường trách nhiệm của người dân, tránh việc khai thác tràn lan. Bên cạnh đó, phải có giải pháp phục hồi rong Mơ cho một số vùng bị sa mạc hóa bằng mô hình tạo rạn nhân tạo. Việc nuôi trồng bằng nhân giống cây con từ bào tử hoặc từ nhánh theo các mô hình dàn nổi, dây căng trên trên đáy, trồng cây con trên đáy, thả bào tử…sẽ làm giảm áp lực khai thác tự nhiên.

 

Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, khi cắt rong Mơ chừa thân chính 10cm kể từ gốc là cách khai thác tốt nhất để rong Mơ có khả năng phát triển và hình thành thêm thỏi sinh sản.

Thanh Bình