Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Pakistan gồng mình chống lũ

(15:02:32 PM 19/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trận lụt lớn tại Pakistan bắt đầu từ tháng 8 đến nay đã làm 345 người chết và 6 triệu người bị ảnh hưởng. Người dân nước này lo ngại một trận lụt lớn như năm ngoái sẽ trở lại. Chính phủ Pakistan đã yêu cầu LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ.

 

Người dân Pakistan đang sơ tán tránh lũ.

 

Tất cả hướng về Sindh

 

Cũng như trận lụt lịch sử năm 2010, năm nay tỉnh Sindh tiếp tục là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã phải hủy chuyến đi New York dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ để trực tiếp giám sát chương trình cứu trợ. Nhiều ngôi làng tại tỉnh này bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn, nhiều nơi bị nước lũ cô lập. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nước sạch đang rất hiếm nên khả năng xảy ra bệnh dịch, trong đó có dịch tả, là điều khó tránh khỏi.



Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA), lũ lụt đã gây ngập tổng cộng 3,2 triệu hécta đất, cuốn đi tất cả mùa màng. Riêng tại tỉnh Sindh, lũ phá hủy 1,3 triệu căn nhà, tất cả 23 huyện của tỉnh này đều bị ảnh hưởng, hơn 80.000 gia súc bị lũ cuốn trôi. Đến nay, tổng cộng Pakistan có trên 300.000 người phải sống trong lều bạt, trường học và các công sở.



LHQ hiện đang dẫn đầu hoạt động cứu trợ tại Pakistan và đang huy động 337 triệu USD từ các nước. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cử một nhóm chuyên gia LHQ tới Pakistan đánh giá tình hình thiệt hại.

 

Theo Chương trình Lương thực LHQ (WFP), cơ quan này bắt đầu phân phát hàng cứu trợ cho các khu vực bị nặng nhất, dự kiến đến hết tháng 9 sẽ đưa hàng cứu trợ đến nửa triệu người và đến 2,2 triệu người vào tháng 10. Mỹ gửi thực phẩm cứu trợ cho gần 350.000 người và trợ giúp y tế cho 500.000 người. Trung Quốc đưa hàng hóa cứu trợ trị giá 4,7 triệu USD tới các nạn nhân lũ lụt tại Pakistan. Iran công bố viện trợ Pakistan 100 triệu USD giúp các nạn nhân tại tỉnh Sindh.

 

Nhật Bản cũng gửi hàng cứu trợ khẩn cấp trị giá 450.000 USD trong đó có lều bạt, nước uống và thuốc. Hàn Quốc trợ giúp hàng hóa trị giá 200.000 USD. Ủy ban châu Âu dù đang gặp khó khăn kinh tế cũng đã công bố viện trợ cho Pakistan 10 triệu EUR. Đức gửi 210 triệu USD.

 

Lũ chồng lũ

 

Pakistan chưa thể phục hồi sau trận lụt lịch sử năm 2010 thì nay lại hứng chịu một trận lũ mới. 800.000 người bị mất nhà cửa từ đợt lũ năm ngoái và trận lũ năm nay ước tính sẽ có thêm 300.000 người. Trận lũ năm ngoái làm tổng cộng 2.000 người chết và năm nay tuy chưa chấm dứt đã có gần 300 người chết.

 

Trận lũ năm ngoái, TTK LHQ yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ Pakistan 460 triệu USD nhưng Pakistan chỉ nhận được chưa đến một nửa, trong khi trận lũ năm ngoái đã làm cho Pakistan thiệt hại 43 tỷ USD.

 

Bà Neva Khan, Giám đốc Tổ chức từ thiện Oxfam của Anh, phát biểu trên tờ Telegraph rằng: “Hậu quả lũ năm nay còn tồi tệ hơn năm ngoái bởi vì nạn nhân là những người từng bị ảnh hưởng bởi trận lụt lịch sử năm ngoái”.

 

Theo ông Safdar Abbasi, Nghị sĩ tỉnh Sindh, nguyên cố vấn của cố Thủ tướng Benazir Bhutto; cộng đồng quốc tế có vẻ mệt mỏi với nhiều vụ thiên tai dồn dập ở Pakistan, từ trận động đất năm 2005 đến lũ năm ngoái và năm nay. Ngoài ra, theo ông, có lẽ do bận tâm đến các vấn đề kinh tế nên cộng đồng quốc tế đã lãng quên Pakistan.



Thăm một căn lều tạm của nạn nhân lũ lụt tại tỉnh Sindh, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani cho biết Chính phủ Pakistan sẽ đảm bảo mỗi người mất chỗ ở sẽ sớm được tái định cư. Ông cho biết tiến trình phục hồi cuộc sống của người dân chia làm hai giai đoạn, thứ nhất là đưa bà con vùng lũ đến các trại tạm, cung cấp cho họ đầy đủ lương thực và chăm sóc sức khỏe, giai đoạn hai là sớm tái định cư.

 

Anh Anwer Mirani, một công nhân xây dựng trong số 20.000 người ở huyện Jamshoro, tỉnh Sindh phải sơ tán lần thứ hai trong vòng 13 tháng nói: “Chúng tôi chỉ vừa mới khôi phục nhà cửa giờ lại phải ra đi vì lũ”. 

 

KHÁNH MINH/ SGGP 

(tổng hợp)