Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các thảm cỏ biển được coi như một nguồn lợi biển quan trọng - Ảnh minh họa
Con người: Nguyên nhân và thủ phạm
Hoạt động của con người ngày càng gia tăng ở vùng ven biển đang trở thành nguyên nhân chính làm thay đổi hệ sinh thái cỏ biển như: Thuyền bè neo đậu, sử dụng phương thức đánh bắt huỷ diệt, khai thác bừa bãi, các công trình xây dựng ở các khu vực ven biển… Thông qua đó con người tác động lên chất lượng nước và trầm tích những yếu tố ảnh hưởng đến sự sống của cỏ biển. Đồng thời, làm thay đổi lưới thức ăn trong môi trường biển mà cỏ biển là một mắt xích quan trọng.
Hoạt động cảng cũng gây ra áp lực lớn cho các thảm cỏ biển cận kề do sự tăng độ đục và các chất dinh dưỡng xâm nhập bởi sự đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động giao thông hàng hải. Đô thị hóa ven bờ biển cũng liên quan đến đổ cát, đất khi xây dựng, tăng xói lở bờ biển là vấn đề chính ở những vùng biển di lịch và ảnh hưởng đến thảm cỏ biển và các hệ sinh thái khác. Trong một số trường hợp, hoạt động du lịch tác động trực tiếp khi người ta “cải tạo” bãi biển bằng cách nhổ thực vật (trong đó có cỏ biển) để phục vụ nhu cầu tắm biển.
Tàu bè tăng nhanh chóng về số lượng và cả kích thước, điều đó song song với việc tăng các tác động tiêu cực lên thảm cỏ biển thông qua hành động neo tàu, đánh bắt thả lưới ở vùng biển nông, và ngay cả các hoạt động nhỏ liên quan đến việc thu lượm hải sản như đào con sò và kéo lưới trên vùng triều và hơn nữa là phương thức đánh bắt bằng thuốc nổ dùng bình ắc quy và xung điện để diệt những đàn cá lớn .
Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ đang phát triển nhanh chóng ở vùng ven biển kéo theo ngành công nghiệp chế biến thức ăn tăng nhanh cũng đã tác động đến cỏ biển. Những hoạt động này gây áp lực đến cỏ biển thông qua hoạt động đổ thải cũng như hủy hoại chất lượng nước và trầm tích.
Quá trình lắng đọng bùn gia tăng ở các vùng ven biển là tác động chính của con người lên hệ sinh thái cỏ biển do các các hoạt động cải tạo hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất. Lắng đọng bùn là vấn đề chính ở vùng biển Đông Nam Á nói chung do tốc độ xói lở tăng, hoạt động chặt phá rừng bừa bãi và cải tạo đất. Lắng đọng bùn làm giảm ánh sáng khuyếch tán xuống cỏ biển hoặc trôn vùi cỏ làm cho cỏ biển bị chết. Những nơi có hiện tượng tượng lắng đọng bùn cao thì đa dạng, sinh khối và sinh sản của cỏ biển giảm nhanh chóng.
Sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu toàn cầu
Những tác động gián tiếp của con người thường là những xáo trộn của thiên nhiên do nhiều nguyên nhân, chúng kết hợp với ứng xử của con người ở các khu vực ven biển trong giao thông, hoạt động giải trí. Các tác động gián tiếp gồm tăng mực nước biển, CO2 và tia cực tím, và các tác động của con người lên đa dạng sinh học biển.
Cỏ biển hiện đang sống trong một môi trường có nhiệt độ trung bình và CO2 thấp. Tuy nhiên xu hướng thay đổi khí hậu như nhiệt độ, mực nước biển và hàm lượng CO2 tăng sẽ gây ra những áp lực đối với nhiều loài cỏ biển. Kèm theo đó là những tác động của con người đến các hệ sinh thái ven bờ làm thay đổi chất lượng nước biển nhanh hơn thời gian thích nghi của cỏ biển. Những tác động của con người làm tổn thương và giảm đa dạng cỏ biển. Con người thay đổi cấu truc bờ biển bởi những hoạt động xây dựng cảng, dịch vụ ven biển ngăn cản sự di trú của cỏ biển khi mực nước biển tăng. Thêm vào đó, các thảm cỏ biển tiếp tục bị mất để phát triển vùng ven biển dẫn đến những hậu quả khó lường trong tương lai.
Cùng với các hoạt động khai thác dưới biển là các hoạt động chặt phá rừng đầu nguồn, nước thải sinh hoạt và công nghiệp đổ trực tiếp ra biển làm cho chính con người và các hệ sinh thái tự nhiên đang phải đối mặt với hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu. Sự thay đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng tăng dự báo sự biến động lớn sắp xảy ra sẽ tác động mạnh đến dại dương của toàn trái đất và cùng ảnh hưởng đến cỏ biển. Sự biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh sản, phân bố và chức năng của thực vật, như nhiệt độ nước biển tăng từ hiệu ứng nhà kính, mực nước biển tăng làm thay đổi độ sâu của nước và mực thủy triều, dòng chảy, độ muối.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1-3,5oC vào cuối thế kỷ 21. Nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất của cỏ biển và khả năng cân bằng các bon, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phân bố của cỏ biển. Thêm vào đó, hiện tượng phì dinh dưỡng trong nước cũng phá hỏng sự cân bằng giữa thực vật biểu sinh và cỏ làm giảm sự quang hợp của cỏ biển, sinh trưởng cỏ biển suy giảm. Như vậy, tác động lâu dài của sự thay đổi khí hậu tăng ưu dưỡng làm mất các thảm cỏ biển ở vùng nước nông ven biển. Nhiệt độ nước biển tăng là nguyên nhân làm tăng cường độ các cơn gió lốc vùng nhiệt đới, cùng với các trận bão mạnh. Các trận bão, gió lốc gây nhiễu loạn và làm suy giảm các thảm cỏ biển ở nhiều vùng trên thế giới và Việt Nam. Bão tăng làm tăng các trận mưa lớn gây ra lũ lụt, xáo trộn trầm tích. Những yếu tố trên làm thay đổi chất lượng biển, sóng lớn nhổ bật rễ cỏ là nguyên nhân gây hại cho thảm cỏ biển.
Mực nước biển tăng làm tăng độ sâu của nước biển làm giảm ánh sáng khuyếch tán xuống nền đáy. Nơi sinh cư của cỏ biển giảm và sinh sản cũng giảm, giá trị và chức năng của chúng cũng giảm theo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thế kỷ 21 mực nước biển tăng làm độ sâu của biển tăng thêm 50 cm sẽ làm giảm 50% ánh sáng khuyếch tán và làm giảm sinh trưởng của cỏ biển từ 30 đến 40%.
Giải pháp quản lý thảm cỏ biển Việt Nam
Xác định rõ sự phân bố của cỏ biển: Để bảo vệ và quản lý nguồn lợi cỏ biển, cần nắm rõ sự phân bố và thành phần loài cỏ biển. Cỏ biển phản ứng ra sao khi điều kiện môi trường thay đổi và sự biến động theo mùa của cỏ biển.
Quan trắc định kỳ: Cần nghiên cứu và áp dụng phương pháp quan trắc có khả năng phát hiện những biến động nội tại cũng như hình thành các chỉ số cảnh báo sớm. Việc hoàn thiện mạng lưới quan trắc ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu có thể cung cấp công cụ chuẩn đoán trên diện rộng và các xu hướng biến động của cỏ biển.
Giáo dục nâng cao nhận thức: Nếu không chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ thảm cỏ biển cho nhân dân địa phương thì sự nghiệp bảo vệ cỏ biển sẽ không thành công. Các đe dọa lên cỏ biển khác nhau mà các hoạt động quản lý có hiệu quả không giống nhau trừ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa quan điểm và hiểu biết của cộng đồng. Chiến lược giáo dục cần thực hiện có trọng điểm ở những nơi dễ kiểm soát. Vì thế, cần phải tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ cỏ biển là rất quan trọng. Tổ chức các cuộc gặp mặt giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và dân địa phương để trao đổi chia xẻ thông tin về cỏ biển.
Trồng phục hồi: Trong điều kiện nước ta nói chung vấn đề bảo vệ cỏ biển nên theo hướng an toàn, ít tốn kém và trong nhiệm vụ quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi cỏ biển, lấy nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn là ưu tiên. Điều quan trọng là cần giữ cho môi trường nước biển không bị ô nhiễm và không bị những tác động tiêu cực thì cỏ biển có thể tự phục hồi trở lại mà không cần phải di trồng vừa tốn kém vừa khó thành công mà còn làm ảnh hưởng đến các thảm cỏ tự nhiên.
Tổ chức lực lượng bảo vệ: Cần thiết phải kiện toàn tổ chức lại lực lượng bảo vệ gồm các cơ quan chức năng như, Kiểm ngư, Thanh tra Thuỷ sản, Bộ đội Biên phòng. Tăng thêm các trạm kiểm soát, cắm mốc phao chỉ giới và cung cấp đủ trang thiết bị tàu thuyền, vũ khí … cho lực lượng bảo vệ. Bên cạnh đó cần thiết có sự tham gia của chính người dân vào lực lượng bảo vệ.
Cưỡng chế thực thi các văn bản pháp luật: Nghiêm cấm khai thác thuỷ sản trên các thảm cỏ biển, không cho tàu thuyền neo đậu tại các khu vực cỏ biển phân bố tập trung. Qui định nơi neo đậu tàu thuyền. Mặt khác, cần nghiêm cấm chặt phá rừng đầu nguồn đồng thời tiến hành trồng phục hồi rừng trên đảo để bảo vệ thảm cỏ biển. Hoàn thiện những chính sách bảo vệ cỏ biển. Sự suy thoái các hệ sinh thái cần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hợp tác quốc tế: Tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm về nghiên cứu, quản lý hệ sinh thái cỏ biển với các nước đã có kinh nghiệm và đạt được những thành công nhất đinh như: Mỹ, Ôx-trây-lia và một số nước Châu Âu. Các cơ quan quản lý các khu bảo tồn biển mà có hệ sinh thái cỏ biển nên đăng kí tham gia mạng lưới giám sát cỏ biển toàn cầu và Chương trình giám sát cỏ biển dựa vào cộng đồng.
Hệ sinh thái cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong cả hệ thống ven biển rộng lớn và có mối tương tác qua lại với môi trường sống này. Các thảm cỏ biển được coi như một nguồn lợi biển quan trọng bởi khả năng ổn định nền đáy, tổng hợp các chất hữu cơ từ vô cơ như cacbon, nitơ, oxy và phốt pho, tham gia vào chuỗi thức ăn, chu trình dinh dưỡng và là nơi sống cho nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hệ sinh thái cỏ biển còn hạn chế so với các hệ sinh thái biển khác. Hơn nữa, những hiểu biết về hệ sinh thái cỏ biển còn chưa đầy đủ và các thảm cỏ biển đang dần dần bị mất đi trên toàn thế giới và cả Việt Nam.
Từ Thị Lan Hương (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)
Nguyễn Văn Tiến (Viện Tài nguyên và Môi trường biển)
Trần Thị Cúc (Viện Tài nguyên và Môi trường biển)