Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk để mất chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột về tay một doanh nghiệp (DN) Trung Quốc không phải hiện tượng cá biệt. Trong tuần này, lãnh đạo của một DN xuất khẩu ở phía Nam là Công ty TNHH Thuận Phong (tỉnh Tiền Giang) lên đường sang Mỹ tham gia giải quyết một vụ kiện đòi lại thương hiệu “Mỹ Tho”.
Đi vào vết xe đổ
Hay trường hợp của chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm, một DN có trụ sở tại California (Mỹ) đã được cấp bảo hộ độc quyền tại Mỹ từ năm 1982, tại Úc và các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) từ năm 2003 và năm 2006 tiếp tục được bảo hộ ở một thị trường khác nữa.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), tính đến ngày 10-8-2011, cơ quan này đã cấp đăng bạ cho 27 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 25 chỉ dẫn địa lý thuộc về phía Việt Nam, còn lại là chỉ dẫn địa lý cho rượu mạnh Cognac của Pháp và rượu Pisco của Peru. Đáng tiếc là có không nhiều trong số 25 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tiếp tục xin bảo hộ ở nước ngoài. Điển hình là cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc như nói trên.
Nên tự trách mình
Một lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thừa nhận trong một cuộc xúc tiến đầu tư của DN Trung Quốc vào tỉnh nhà cách đây 2 năm trên chính đất nước mình, ông đã được danh thiếp của một doanh nhân Trung Quốc ghi “Buon Ma Thuot Coffee” bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Đáng tiếc là ngay sau đó, tỉnh Đắk Lắk chẳng hề có một hành động pháp lý cần thiết nào. Việc mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột chỉ rùm beng khi Công ty Luật Bross & Partners bằng nghiệp vụ của mình phát hiện trên mạng và loan tin cho báo giới.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận SHTT của Bross & Partners, người đang tham vấn pháp luật cho UBND tỉnh Đắk Lắk đòi lại chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, nói: “Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhận ra nguy cơ và khá thống nhất với kế hoạch giải quyết sự việc thông qua con đường khiếu nại, nếu không thỏa đáng mới kiện ra tòa án Trung Quốc. Tôi hy vọng UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định đúng đắn để bảo vệ quyền lợi của các tỉnh, của DN cà phê nói riêng và của đất nước nói chung vì chỉ dẫn địa lý là tài sản của cả quốc gia”.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một bài học quá lớn từ việc thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bị đánh cắp cần rút ra đối với các DN của Việt Nam. Trong Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011 hoặc tài liệu của nhiều tổ chức nước ngoài gần đây đều có một điểm chung khi cho rằng thực thi Luật SHTT là một trong số những yếu kém của Việt Nam và thúc giục cần nỗ lực cải thiện để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ động đăng ký
Từ những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra, một số luật sư trong lĩnh vực SHTT cho rằng nguyên nhân chính là do các cá nhân, tổ chức và DN trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu và chưa am hiểu Luật SHTT.
Có thể đổ lỗi cho một số trường hợp “cha chung không ai khóc”, như với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản chung, mà theo lẽ tỉnh Đắk Lắk đứng ra đăng ký bảo hộ ở nước ngoài rồi ủy quyền cho các DN khai thác thương mại.
Nhưng đối với DN, họ có quyền tự đăng ký bảo hộ thương hiệu ở bất cứ thị trường nào, không phải xin phép, hội ý với ai, có thể đăng ký trực tuyến hoặc thuê luật sư và mất vài chục đến một vài trăm USD cho một bộ hồ sơ thì chẳng có gì ngăn cản họ bảo vệ tài sản của mình nếu họ nhận thấy việc đó là cần thiết.
|
Ông Phạm Hồng Quất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ:
Phải biết đi trước một bước
Đối với một nước xuất khẩu như Việt Nam, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất quan trọng nên không thể chậm chân
* Phóng viên: Việt Nam đã nhiều năm thực thi Luật SHTT, hằng năm có Ngày SHTT, đã hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng vẫn lặp đi lặp lại những vụ mất thương hiệu đáng tiếc trên thương trường mà “kẻ cắp” chính là đối tác làm ăn. Theo ông, nguyên nhân chính do đâu?
- Ông Phạm Hồng Quất: Xét ở cả 3 nguyên nhân: nhận thức, năng lực tài chính, hệ thống pháp luật thì việc này xảy ra chủ yếu do nguyên nhân thứ nhất. Nhiều DN chưa có ý thức đăng ký bảo hộ trước khi xuất khẩu hàng hóa, mới dừng ở việc đăng ký trong nước.
Đối với một nước xuất khẩu như Việt Nam thì việc bảo hộ ở nước ngoài rất quan trọng, không phải chỉ khi xuất hàng đi đâu mới đăng ký bảo hộ ở đó mà phải đăng ký từ trước.
Chi phí cho các hoạt động này không tốn kém, nó chỉ trở thành gánh nặng về cả vật chất và thời gian khi đã bị mất thương hiệu, kéo theo hậu quả là bị chặn xuất khẩu, mất uy tín, phải đi kiện tụng để đòi lại thương hiệu.
Các DN biết nhìn xa trông rộng thường thuê công ty dịch vụ pháp luật, không phải chỉ vì mục đích đăng ký bảo hộ mà giám sát xem có ai đăng ký nhãn hiệu giống mình để kịp thời yêu cầu hủy bỏ ngay khi chưa được cấp bằng.
* Theo ông, có thể rút ra bài học gì cho DN Việt Nam khi làm ăn trên thương trường quốc tế?
- Trong giai đoạn này, những vụ tranh chấp liên quan đến SHTT xảy ra nhiều hơn ở cả Việt Nam và nhiều khu vực vì giới kinh doanh đã biết khai thác mặt mạnh và cả mặt yếu của SHTT để khống chế thị trường, khống chế khả năng phát triển và thủ tiêu cạnh tranh của đối thủ.
Chỉ bằng hành động pháp lý đơn giản là đăng ký bảo hộ để giành độc quyền thương hiệu, một đối tác ở nước ngoài có thể đạt được quyền cấm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nội địa của họ.
Ở tầm quốc gia, một DN cũng có thể sử dụng SHTT để hạn chế hàng nhập khẩu của nước khác vào thị trường nội địa mà không vi phạm cam kết quốc tế. SHTT có thể coi là cái khóa để các nước chống lại mở cửa thị trường khi thấy bất lợi cho thị trường trong nước.
Đây là hàng rào duy nhất còn sót lại trong thời buổi hội nhập, trong khi các hàng rào khác như thuế quan… đã bị vô hiệu.
Tốt nhất, DN phải đi trước một bước để cho cái khóa này không ảnh hưởng đến mình thay vì khi nó đã sập lại mới đi phá.
Tô Hà thực hiện |