Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo báo cáo về tình hình nông nghiệp và an ninh lương thực ở châu Á-Thái Bình Dương do Liên Hợp quốc công bố ngày 24/4, tám nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nằm trong danh sách 26 nước là những điểm nóng về an ninh lương thực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hãng thông tấn Bernama dẫn báo cáo trên cho biết tám nước Đông Nam Á nói trên gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar, Đông Timor và Việt Nam.
Dân số của 26 nước châu Á-Thái Bình Dương bị xếp vào điểm nóng về an ninh lương là 2,2 tỉ người, chiếm tới 53,8 phần trăn dân số thế giới.
Thư ký Ủy ban Kinh tế&Xã hội Khu vực Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc, Tiến sĩ Noeleen Heyzer cho biết mặc dù kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh song đây lại là khu vực có số người thiếu ăn nhiều nhất thế giới, chiếm tới 62 phần trăm tổng số người bị đói trên toàn thế giới.
Bà Heyer nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ không thể chấm dứt nếu như khủng hoảng về lương thực chưa được giải quyết. Thậm chí, bà còn cho rằng khủng hoảng tài chính đã biến thành một cuộc khủng hoảng lương thực tại khu vực này.
Bà cho rằng mặc dù giá lương thực có giảm so với năm trước song vẫn ở mức cao, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang đẩy thêm nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp và thu nhập giảm.
Bà Heyer nhấn mạnh báo cáo công bố ngày 24/4 của Liên Hợp quốc là nhằm báo động với cộng đồng quốc tế một thực trạng là trong khi thế giới quá chú trọng đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay thì khủng hoảng lương thực vẫn là một "nguy cơ có thực".
Nhiều người đã quan ngại rằng một khi kinh tế toàn cầu hồi phục thì sức ép đẩy giá lương thực lên cao như hồi năm ngoái sẽ quay trở lại. Các chính sách bảo hộ mậu dịch, khiến cho giá lương thực tăng cao, cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong khu vực do hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương đều phải nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước.
(Theo TTXVN/Vietnam+)