Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đô thị hóa và đô thị hóa nông thôn-Cần những giải pháp cụ thể

(12:03:11 PM 17/09/2011)
(Tin Môi Trường) - Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, nâng cao đời sống nhân dân. Đô thị hóa nông thôn cũng vậy, chính là xu hướng tất yếu của công cuộc phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

>>Đô thị hóa - Thách thức môi trường

>>Rác thải Việt Nam – Tiềm năng bỏ ngỏ

>>Trăn trở về câu chuyện 3 R

>>Thành phố thiếu mảng xanh

 

Từ năm 1990 đô thị Việt Nam mới bắt đầu phát triển. Từ đó đến nay, đặc biệt là vài năm trở lại đây tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng.

 

Như chúng ta đã biết, đô thị hóa là quá trình tất yếu diễn ra không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước châu Á vốn có xuất phát điểm chậm hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây.

 

Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, nâng cao đời sống nhân dân. Đô thị hóa nông thôn cũng vậy, chính là xu hướng tất yếu của công cuộc phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) của đất nước.

 

Thành tựu đáng kể trong quá trình phát triển CNH-HĐH, đô thị hóa nông thôn ở các đô thị Việt Nam trong thời gian qua là đã tranh thủ thu hút được nhiều chương trình, dự án lớn nhỏ với nhiều cấp độ và quy mô khác nhau.

 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có gần 760 đô thị và trung bình cứ 1 tháng lại có 1 đô thị ra đời, có thể nói, chưa bao giờ tốc độ đô thị hóa ở VN lại diễn ra nhanh chóng và rộng khắp như hiện nay. Quá trình đô thị hóa đã góp phần tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Diện mạo nông thôn và đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú và khởi sắc. Bên cạnh những mặt tích cực, đô thị hóa tại Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và hạn chế trong quản lý, điều hành và hiện đang phát sinh những vấn đề bức xúc liên quan đến nông nghiệp và nông dân cần được nhận thức đúng và giải quyết hợp lý.

 

Tình trạng mất đất canh tác do bị thu hồi phục vụ các chương trình, khu công nghiệp và mở rộng hạ tầng đô thị - nguồn sản xuất quan trọng bao đời của người dân, nền tảng đảm bảo an ninh lương thực của địa phương bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số lượng lớn đất nông nghiệp, trong đó đất thâm canh chiếm tỷ lệ lớn, đã phải nhường chỗ cho các dự án, khiến hàng chục vạn hộ dân nông thôn rời bỏ chốn cũ đến sinh sống tại các khu tái định cư với hệ thống cơ sở hạ tầng và không gian hoàn toàn mới lạ lại thiếu hoàn chỉnh.

 

Việc chuyển mục đích sử dụng đất đã gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống trước mắt cũng như về lâu dài của một bộ phận đông đảo nông dân. Đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với chuyện nông dân mất việc làm và giảm thu nhập.

 

Việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của nhiều hộ gia đình với hàng triệu nhân khẩu nông nghiệp. Những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên giải quyết việc làm cho nông dân vùng dự án nhưng mỗi năm chỉ giải quyết được khoảng 55.000 người – chiếm con số rất nhỏ trong tổng số lao động mất việc.

 

Quá trình chuyển đổi đất đai từ khi có dự án làm cho đất ở và đất canh tác ở những khu vực lân cận dự án từ chỗ ít giá trị đột ngột tăng vọt, mà động lực chính thường là do đầu cơ, đón đầu. Chính vì giá đất cao như vậy nên những người dân ở đây nếu còn đất cũng đã bán đất để tạo vốn cho việc làm ăn. Nhiều hộ đã đổi đời bằng cách này. Tuy nhiên, không phải nơi nào người dân cũng đều may mắn để duy trì sinh kế và phát triển.

 

Có rất nhiều khu vực bị thu hồi trưng dụng đất dẫn đến tình trạng người nông dân không có việc làm trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Cuộc sống của hàng vạn hộ nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đền bù tái định cư. Sự nhàn rỗi cộng với số tiền đền bù cao tạo cho người dân trước mắt một cuộc sống sung túc, làm cho họ có ảo tưởng và cách thức tiêu tiền trở nên thiếu tính toán và không nhận ra mình đang phung phí chính nguồn sống của tương lai.

 

Theo cán bộ hành chính ở Long An cho biết: “ông Huỳnh Văn Ngó ở Cần Giuộc, Long An được đền bù 400 triệu đồng, ông liền mua 3 xe máy cho 3 con trai và không tìm cách làm ăn nữa mà chỉ ở nhà ăn chơi. Ông Út Tôn, ông Bé Ba, bà Chín, ông Thanh… nhận tiền đền bù hàng trăm triệu đồng và chỉ chưa đầy 2 năm đã trắng tay do không biết cách tổ chức thu xếp cho tương lai”.

 

Những dự án treo trong nhiều năm và trải qua mấy lần thay đổi chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, khiến ngàn vạn hécta đất trước đây trồng lúa bị bỏ hoang. Nhiều khu vực thuộc vùng quy hoạch, nhà cửa của dân thuộc khu vực bị hư hỏng nặng cũng không được phép xây sửa, gây nỗi bức xúc cho người dân rải rác trên khắp cả nước hầu như đâu đâu cũng có những dự án lơ lửng.

 

Mất đất canh tác, nông dân phải lên các thành phố làm mọi nghề để kiếm sống ở các thành phố lớn hơn và có cơ hội hơn. Họ phải làm đủ các nghề, đa số là lao động chân tay, từ bán hàng rong, đến bốc vác, thợ nề… để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và bản thân. Những người lao động nông dân nghèo này thường thuê trọ trong các con hẻm, ngõ ngách với điều kiện vô cùng thiếu thốn. Có nhiều khu vực, hơn chục nguời làm nghề đào ống nước hay đóng cọc cùng chen chúc trong một ngôi nhà gần 20 m2 là hình ảnh hết sức quen thuộc ở Hà Nội. Nếu người nông dân không chọn phương án kiếm sống ở những thành phố lớn hơn thì lại chọn phương án kiếm sống tại chỗ một cách vô cùng chật vật. Đất canh tác đã không còn, mọi người trong gia đình phải xoay xở mọi cách để kiếm sống, nuôi con cái ăn học.

Đô thị hóa và đô thị hóa nông thôn không thể tránh khỏi những thách thức cho nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là nông dân. Tuy nhiên các cấp chính quyền và cơ quan liên quan cần phải chiến lược và giải pháp cụ thể để tránh nhiều vướng mắc và lúng túng trong quá trình giải quyết, nảy sinh những vấn đề ngày càng phức tạp.

TS. Đặng Vũ Tùng , Đại học bách khoa Hà Nội