Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Hợp tác quốc tế trong điều tra nghiên cứu tài nguyên môi trường biển
Cần hợp tác quốc tế để đánh giá tổn thương tài nguyên môi trường vùng ven biển - Ảnh minh họa
Từ thực trạng…
Trong những năm vừa qua, tốc độ phát triển của các ngành kinh tế dọc bờ biển nước ta ngày càng cao, GDP của kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp trong GDP của cả nước ngày một tăng lên. Tuy nhiên, vùng ven biển cũng là vùng dễ bị tổn thương do các hiện tượng tự nhiên cực đoan và hoạt động của con người như giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên biển, ô nhiễm từ đất liền, vùng công nghiệp, đô thị ven biển... đã gây ra các sự cố môi trường biển như tràn dầu, tràn hoá chất, tảo độc và thuỷ triều đỏ, bão và lũ lụt...
Tất cả những hiện tượng này đều gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy thoái hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của vùng ven biển, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đe doạ tính mạng con người.
Do vậy, việc đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển, để từ đó có những biện pháp dự báo, phòng tránh, thích ứng và giảm nhẹ tổn thất có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ và sử dụng bền vững TN&MT vùng ven biển.
Các nghiên cứu về đánh giá tổn thương TN&MT biển tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu theo các hướng tiếp cận khác nhau (vùng/khu vực, hệ thống tự nhiên – xã hội, cộng đồng, tài nguyên...) và ở các khu vực khác nhau. Các nghiên cứu đều dựa trên nguyên tắc chung về đánh giá tổn thương là xác định khả năng bị tổn thương của một hệ thống (tự nhiên, kinh tế - xã hội...) khi gặp phải những tai biến (tự nhiên, nhân tạo), xác định khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tổn thương.
Nghiên cứu đánh giá tổn thương tại Việt Nam mặc dù mới được chú ý đến nhưng đã có rất nhiều dự án được triển khai bằng nguồn vốn trong và ngoài nước. Kết quả của những dự án đang phục vụ thiết thực cho công tác đánh giá tổn thương tại Việt Nam. Điển hình là Dự án 2762 về “Điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT, khí tượng thuỷ văn biển Việt Nam; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường tại các vùng biển; kiến nghị các giải pháp bảo vệ” và một số dự án thuộc Chương trình 47 về xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT biển, điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, TN&MT biển...
Tuy nhiên, việc tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực TN&MT biển, cũng như đa dạng hóa và huy động các nguồn tài trợ quốc tế như ODA sẽ giúp tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình 47 nói chung và Dự án 2762 nói riêng.
Những hạn chế
Mặc dù đã có nhiều đầu tư cho công tác đánh giá tổn thương TN&MT biển, cả trong và ngoài nước, có thể nhận thấy còn nhiều mảng chưa được quan tâm đầu tư, có những mảng đã được đầu tư nhưng chưa đầy đủ hoặc chồng chéo. Do vậy, một mặt cần xác định rõ những mảng chưa được quan tâm đầu tư, từ đó tích cực tìm, tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ nhằm điều phối hoạt động đầu tư sao cho việc sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, có trọng tâm, đạt được kết quả cao nhất.
Hiện có nhiều dự án, chương trình về đánh giá tổn thương TN&MT biển đã và đang được thực hiện nhưng vấn đề đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Tuy cùng dựa trên một nguyên tắc, nhưng do tính rời rạc và đơn lẻ của các nghiên cứu, nên các yếu tố của một nghiên cứu đánh giá tổn thương còn chưa được đề cập đầy đủ.
Bên cạnh đó, mỗi phương pháp hoặc cách tiếp cận khác nhau đòi hỏi dữ liệu đầu vào khác nhau và đưa ra các kết quả khác nhau (như đánh giá rủi ro môi trường, đánh giá tổn thương do BĐKH, đánh giá tổn thương do ô nhiễm môi trường, đánh giá tổn thương tổng hợp). Điều này dẫn tới sự không thống nhất về định nghĩa đánh giá tổn thương TN&MT biển, khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp và xây dựng các chuẩn dữ liệu một hệ thống phương pháp luận chung, đạt chuẩn quốc tế phục vụ công tác dự báo, phòng tránh, thích ứng và giảm nhẹ tổn thương.
Một số hạn chế cụ thể như, chỉ một số cơ quan và nhóm nghiên cứu tiếp cận được với các phương pháp nghiên cứu tổn thương và sử dụng trong một số nghiên cứu của mình. Nhiều cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, nhất là các cơ quan quản lý địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ về đánh giá tổn thương và được tiếp cận với phương pháp đánh giá tổn thương, cũng như sử dụng kết quả đánh giá tổn thương trong công tác quản lý, sử dụng bền vững TN&MT biển và giảm thiểu rủi ro. Đánh giá nhanh về nhu cầu tăng cường năng lực của các cơ quan cho thấy hầu hết các cơ quan đều ưu tiên cho việc chuyển giao phương pháp, tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp tài liệu.
Cần hợp tác quốc tế
Từ những phân tích trên, có thể thấy vấn đề tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý của Việt Nam về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu đánh giá tổn thương TN&MT biển, thống nhất chuẩn cơ sở dữ liệu và cơ chế tiếp cận và chia sẻ thông tin trong nước và quốc tế phục vụ đánh giá tổn thương TN&MT biển, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý và người dân và xây dựng khung pháp lý về đánh giá tổn thương TN&MT biển là hết sức cần thiết và cần có sự hỗ trợ của quốc tế.
Do vậy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển Việt Nam và dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển phải đặt trong tổng thể Chiến lược biển đến năm 2020 và Chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam về phát triền bền vững (Agenda 21) và phải phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và định hướng của Chính phủ về đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam; khai thác biển có hiệu quả và bền vững; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hợp tác quốc tế nhằm tận dụng tối đa những kinh nghiệm và tri thức trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu, đánh giá tổn thương TN&MT biển Việt Nam; phát huy vai trò quan hệ quốc tế để kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia có uy tín cùng tham gia, đóng góp kinh nghiệm và trí tuệ cho nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực mới đối với Việt Nam và tại các khu vực nhạy cảm về kinh tế, chính trị, văn hóa.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển Việt Nam và dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển cần được thực hiện trên cơ sở kết hợp nội lực trong nước với các nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài, cả về tài chính và kỹ thuật. Dù ở dạng nào, viện trợ không hoàn lại, cho vay phát triển, viện trợ một phần, cũng đều phải được sử dụng một cách hiệu quả theo đúng “Cam kết Hà Nội” về hiệu quả sử dụng viện trợ của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế.
Hợp tác quốc tế nhằm mở rộng phạm vi nghiên cứu của Đề án 47: điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển khu vực, dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển khu vực có tính chất xuyên biên giới; nghiên cứu trường khí tượng thủy văn biển của các trung tâm dự báo biển khu vực.
Hợp tác quốc tế trong công tác điều tra, nghiên cứu đánh giá tổn thương môi trường biển phải được tiến hành theo nguyên tắc: khẩn trương, hiệu quả, tránh trùng lắp, chồng chéo; có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt và định hướng xây dựng nền tảng khoa học, cơ sở dữ liệu và năng lực nghiên cứu, quản lý; kêu gọi và tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép tiến hành thực hiện Đề án 80 và Đề án 47 một cách chặt chẽ, tránh đầu tư chồng chéo; tranh thủ sự trợ giúp về tài chính và phát huy hiệu quả của hỗ trợ kỹ thuật, tiến tới làm chủ các kỹ thuật tiên tiến.