Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công tác khí tượng thủy văn môi trường biển trong giai đoạn mới

(08:32:33 AM 15/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Điều tra cơ bản các điều kiện khí tượng thủy văn và môi trường biển (KTTV&MTB) cần được xem là một trong những yếu tố quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế biển của nước ta và công tác này cần phải tiến hành trước một bước làm cơ sở khoa học cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển.

>>Ô nhiễm môi trường biển gia tăng ở Phú Yên

 

Điều tra cơ bản các điều kiện khí tượng thủy văn và môi trường biển cần được xem là một trong những yếu tố quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế biển của nước ta

 

Vẫn còn nhiều khó khăn bất cập

 

Những năm gần đây, công tác khảo sát KTTV&MTB có những bước tiến bộ đáng kể, được thực hiện theo quy định, khối lượng số liệu lớn, có tính hệ thống và khá đồng bộ về đặc trưng phân bố các yếu tố KTTV&MTB cho hai mùa đông và mùa hè trên phạm vi toàn vùng thềm lục địa. Các kết quả này đã phục vụ thiết thực cho các ngành khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển và góp phần tích cực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển.

 

Tuy nhiên, công tác này hiện đang còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, cần được giải quyết: Mạng lưới trạm cố định được quy hoạch từ năm 1987, thực tế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển hiện tại. Thiết bị ở các trạm còn thô sơ, trình độ quản lý cũng như chuyên môn còn hạn chế. Xét về mặt địa lý, cũng như đặc trưng về điều kiện KTTV&MTB cho vùng ven bờ thì số lượng trạm là chưa đủ, sự phân bố không đồng đều, thưa thớt trên cả một dải ven biển. Đây chính là hạn chế không nhỏ trong việc phục vụ dự báo, quy hoạch các vùng kinh tế ven biển và các tham số đầu vào cho việc thiết kế, thi công các công trình ven biển. Các công trình chuyên môn của các trạm nay đã hư hỏng, xuống cấp cần phải sửa chữa và xây mới, hầu hết công trình của các trạm đều đơn sơ, nhiều yếu tố chỉ quan trắc bằng mắt thường.

 

Các máy, thiết bị của các trạm không có dự trữ, không đảm bảo đúng quy định, quy trình kiểm định máy và là những máy được sản xuất từ những năm 70-90 như máy triều ký kiểu phao CYM, Stevens A71, triều ký áp lực, hoặc máy ngắm sóng Ivanop có độ chính xác không cao. Những trạm không có máy đo sóng hoặc bị hỏng thì quan trắc bằng mắt thường. Những trạm không có máy triều ký thì quan trắc bằng thủy chí (thước bằng gỗ gắn vào vị trí cố định) 4 lần/ngày. Ngoài ra, không có máy đo độ mặn nước biển thì quan trắc bằng phù kế, nhiệt biểu thủy ngân đã rất lạc hậu. Đội ngũ nhân lực trong biên chế làm công tác hải văn tại 17 trạm hiện nay, đa số trạm chỉ từ 2- 4 người/trạm không đáp ứng được những đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nếu các trạm được đầu tư các máy, thiết bị cho các hạng mục đo đạc mới, thì số biên chế tại các trạm này phải được bổ sung.

         

Công tác điều tra khảo sát trên biển, tuy đã có tàu nghiên cứu biển và đưa vào sử dụng nhưng chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn về điều tra cơ bản. Ở mức độ quản lý nhà nước, việc điều hành công tác điều tra cơ bản về KTTV&MTB chưa được thống nhất, phối hợp tốt giữa các ngành, các đơn vị cùng được giao nhiệm vụ điều tra cơ bản về biển; việc đầu tư tản mạn và nhỏ so với thực tế, nên chưa hiệu quả. Trang thiết bị lắp đặt trên tàu thiếu về chủng loại lại ít về số lượng, nên hạn chế về khả năng đo đạc và nghiên cứu đồng bộ. Công tác điều tra cơ bản KTTV&MTB chủ yếu thực hiện trong vùng thềm lục địa. Trên quy mô toàn Biển Đông, từ sau chuyến khảo sát phối hợp Việt- Nga, Việt Nam chưa tự tổ chức được các chuyến điều tra khảo sát tương tự vì không có phương tiện và kinh phí.

         

Công nghệ, thiết bị quan trắc thiếu và không đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, khảo sát KTTV&MTB còn thiếu cán bộ có trình độ cao. Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác quan trắc KTTV&MTB chưa thỏa đáng, đặc biệt là đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc trực tiếp trên biển.

         

Mặc dù trong những năm qua, nhà nước đã có những đầu tư về cơ sở vật chất, máy thiết bị đo đạc chuyên môn, mở những lớp đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra ở giai đoạn hiện nay.Việc thiếu định hướng nghiên cứu cơ bản của các chương trình lớn dẫn đến tình trạng nghiên cứu tản mạn, chưa đúng với yêu cầu thực tế, chưa triển khai được các mô hình dự báo theo các chuyên ngành, nhất là các mô hình dự báo biển.

           

Một số giải pháp

         

Từ nay đến năm 2020, công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và phục vụ KTTV&MTB phải thực sự đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước với những đòi hỏi cụ thể, chất lượng cao. Bước đi ngày nay đòi hỏi phải nhanh hơn, nhiều quá trình phải đi tắt, đón đầu và đầu tư đúng hướng về công nghệ phù hợp với khu vực và thế giới. Cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể về công tác điều tra cơ bản, phát triển công nghệ phục vụ KTTV&MTB trên nền của Chiến lược biển Quốc gia về biển, bao gồm: Chiến lược an ninh quốc phòng biển; chiến lược phát triển khoa học và công nghệ biển; Chiến lược lược phát triển kinh tế biển; Chiến lược Quốc gia về phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

         

Về điều tra cơ bản KTTV&MTB: Tập trung hoàn thiện mạng lưới quan trắc tổng hợp KTTV&MTB cố định ven bờ, trong đó lồng ghép, nâng cấp 13 trạm khí tượng hải văn đang hoạt động thành trạm quan trắc tổng hợp TN&MT biển, xây dựng mới 16 trạm và 1 trạm trung tâm thu số liệu tại Hà Nội. Tự động hoá mạng lưới quan trắc trạm quan trắc tổng hợp TN&MT biển ven bờ, hải đảo với đường truyền thông tin tự động. Đồng thời, thực hiện điều tra khảo sát các yếu tố KTTV&MTB theo chương trình 4 chuyến/năm tại các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam kết hợp với các chuyến điều tra ven bờ và hải đảo bằng tàu/thuyền nhỏ ở độ sâu < 10 m nước.

         

Tăng cường số lượng tàu nghiên cứu biển để thay phiên điều tra khảo sát biển và thềm lục địa Việt Nam. Xây dựng chương trình điều tra tổng hợp toàn bộ biển Đông, phối hợp với các nước xung quanh biển Đông và trên thế giới: Hoa Kỳ, Đức, Nga, Trung Quốc, Philippine, Thái Lan, Campuchia, Indonexia, Malayxia...

         

Về quản lý cơ sở dữ liệu biển (trong đó có dữ liệu KTTV&MTB): Cần có chính sách rõ ràng và thống nhất về điều tra, xây dựng, quản lý CSDL biển và tổ chức đầu mối về quản lý và phân phối thông tin về TN&MTB. Thu thập và quản lý dữ liệu theo chuẩn quốc tế. Coi dữ liệu biển là một thành phần trong xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.

         

Về Quản lý nhà nước: Hình thành tổ chức quản lý tập trung về CSDL TN&MTB. Nhanh chóng hoàn thành Dự án xây dựng thống nhất về cơ sở dữ liệu biển quốc gia theo mô hình tập trung và phi tập trung và đưa Trung tâm Dữ liệu biển Quốc gia đi vào hoạt động đại diện cho Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế chính sách về điều tra khảo sát tổng hợp và thu thập quản lý CSDL TN&MTB.

         

Ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về điều tra khảo sát, lưu trữ, quản lý CSDL TN&MTB theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Có chính sách đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để kịp thời đáp ứng nhu cầu công tác về TN&MTB.

         

Các giải pháp chính: Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý về biển (hạ tầng cơ sở, máy, trang thiết bị điều tra khảo sát, phòng thí nghiệm, phương tiện vận chuyển...); Hoàn thành xây dựng hệ thống trạm quan trắc tổng hợp KTTV&MTB và hệ thống Rada biển. Triển khai các hạng mục quan trắc theo hướng hiện đại.

         

Nâng cấp trang thiết bị cho tàu nghiên cứu biển, thực hiện tự động hoá quá trình điều tra trên biển; xây dựng bến đỗ cho đội tàu nghiên cứu biển. Tạo nguồn nhân lực trên cơ sở kết hợp với các trường đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Thuỷ lợi, Đại học TN&MT.

           

Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế về biển như IOC, WMO (Tổ chức Khí tượng Thế giới), JCOMM (Uỷ ban Phối hợp Khí tượng biển và Hải dương học WMO-IOC). Tăng cường khả năng hợp tác đa phương, song phương để trao đổi số liệu, tiếp thu công nghệ mới với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Điều tra cơ bản các điều kiện khí tượng thủy văn và môi trường biển sẽ cho phép nâng cao việc phục vụ dự báo các nguồn lợi biển phục vụ cho việc xây dựng các công trình trên biển, khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển.

đoàn hồng minh