Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phà Bến Thủy giờ là nơi chứa cát lậu Tin mới nhất

(10:01:00 AM 14/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Phà Bến Thủy năm 1965-1974 là “rốn bom” của địch. Để các chuyến phà thông suốt vận chuyển hàng ra tiền tuyến, rất nhiều chiến sĩ đã thương vong nhưng đến giờ, một chút hương khói tưởng niệm cũng không có và đang trở thành bãi tập kết cát lậu

Phà Bến Thủy oai hùng một thời, giờ thành bãi tập kết cát lậu

 

Trong chiến tranh chống Mỹ, phà Bến Thủy trên sông Lam ở đoạn cuối địa phận Nghệ An về phía Nam là trọng điểm đánh phá của máy bay và tàu chiến địch. Để bảo đảm huyết mạch giao thông, bao mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ, công nhân đã đổ xuống. Phà Bến Thủy cùng với cầu Hàm Rồng, phà Long Đại, cầu Hiền Lương… đã trở thành những địa danh lịch sử, vậy mà…

 

Lãng quên tọa độ lửa

 

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, phà Bến Thủy vượt sông Lam là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa, khí cụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, nơi đây trở thành “rốn bom” và là nơi lòng yêu nước đã chiến thắng sức hủy diệt khủng khiếp của bom đạn cùng với ý đồ xâm lược của kẻ thù.

 

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại (1964 -1973), mỗi cán bộ, chiến sĩ phà Bến Thủy phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn; hàng trăm người bị thương, 26 cán bộ, chiến sĩ hy sinh để bảo đảm cho hoạt động của bến phà thông suốt. Với những chiến công xuất sắc, tập thể cán bộ, chiến sĩ phà Bến Thủy được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 2 cá nhân là Nguyễn Trọng Tường và Nguyễn Hữu Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 

Chiến tranh đã lùi xa, những hố bom ở khu vực phà Bến Thủy đã được bồi lấp theo năm tháng. Dẫu vậy, khi đến khu vực phà Bến Thủy trước đây, ai cũng cảm thấy chua xót, ngậm ngùi. Không bảng chỉ dẫn, không có một công trình tưởng niệm, khu vực phía Bắc bến phà chính trước đây (phường Trung Đô, TP Vinh) giờ là bãi tập kết cát sỏi lậu; phía Nam (thuộc Hà Tĩnh) là khu khách sạn nhà hàng.
 
 
Gần khu vực bến phà trước đây, giờ người ta xây dựng cây cầu Bến Thủy hoành tráng bắc ngang sông Lam. Ngày ngày, trên cầu Bến Thủy có hàng ngàn chuyến xe ngược xuôi ra Bắc vào Nam, có ai còn nhớ chính nơi đây, bên bờ sông Lam, đã từng có đơn vị phà Bến Thủy anh hùng trong chiến tranh đã vận chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng ra tiền tuyến?
 

Ông Nguyễn Ngọc Long (67 tuổi), ngụ đường Hồng Bàng, TP Vinh, một người từng công tác tại phà Bến Thủy trước đây, xót xa: “Tham gia làm việc tại phà Bến Thủy từ năm 1965 – 1974, tôi đã chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh. Để các chuyến phà thông suốt, rất nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh. Thế nhưng, giờ mỗi lần trở lại khu vực bến phà xưa, tôi thấy buồn lắm. Họ đập phá cả rồi, đến cả một nơi hương khói cho các đồng đội đã khuất cũng không có. Xót xa quá, họ quên tất cả rồi”.

 

Nỗi đau người ở lại

 

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những người đã làm nên một bến phà Bến Thủy anh hùng trước đây, giờ có người còn sống, người đã mất. Họ, những người lính quả cảm một thời trên sông Lam, ai cũng chung một nỗi niềm đau đáu trước sự phũ phàng của thời gian và nỗi vô tình của con người.

 

Ông Võ Trọng Lý (67 tuổi), ngụ phường Trường Thi, TP Vinh,  người từng có mặt ở phà Bến Thủy trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhớ lại: “Ngày 31-12-1967, khi Mỹ thả bom từ trường phong tỏa phà Bến Thủy, để mở đường máu thông phà, tôi cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ tiên phong dùng ca nô đi phá bom. Xác định cầm chắc cái chết vì đây là lần đầu tiên chúng tôi phá bom từ trường. Trước khi đi, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho cả 3 anh em. Chúng tôi dùng ca nô 130 mã lực, mở hết tốc độ lướt qua bom kích nổ. Sau gần 1 giờ dùng ca nô, chúng tôi đã kích nổ được nhiều quả bom và thông được phà”.

 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Lý cùng 2 đồng đội đã được Ty Giao thông Vận tải Nghệ An tặng giấy khen. Sau lần phá bom từ trường đó, ông Lý cùng các đồng đội tiếp tục dùng ca nô phá bom và bị thương nhiều lần.
 
 
Ông Lý chính là người bất chấp nguy hiểm nâng cánh bom từ trường cứu thủ trưởng của mình vào tháng 4-1968. “Mình tham gia chiến đấu, bị thương nhưng khi đi làm chế độ bên tỉnh đội họ bảo trách nhiệm thuộc về ngành giao thông, gặp bên giao thông thì lại nói sang tỉnh đội. Đi lại nhiều không được cũng nản, thành ra giờ tôi không có chế độ gì cả” – ông Lý ngậm ngùi.
 
 
Không chỉ ông Lý, nhiều người đã chiến đấu ở phà Bến Thủy trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt bị thương nhưng hiện tại vẫn không được hưởng chế độ gì cả. Ông Phạm Chính Nghĩa, quê Hưng Nguyên, công tác từ năm 1964-1971, chủ yếu ở phà Bến Thủy và bị thương trong khi làm nhiệm vụ, hiện tại hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng không được hưởng chế độ.
 
 
Ông Hoàng Nghĩa Cự, cũng quê Hưng Nguyên, nhiều lần bị thương trong khi lái ca nô phá bom, nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương tật. Ông Cự là một trong 4 người vào tháng 9-1968 đã dũng cảm dùng xuồng cao su bắt sống tên giặc lái Mỹ trong đêm trên Cồn Nổi giữa sông Lam.
 

Dù không được hưởng chế độ gì nhưng những người lính quả cảm ở phà Bến Thủy ngày nào giờ cũng không chạnh lòng bằng việc địa điểm lịch sử này bị mai một, lãng quên dần. Họ mong có được một ngày hội ngộ và hơn hết là một công trình tưởng niệm bến phà anh dũng được dựng lên. “Chúng tôi chỉ mong có một công trình ghi nhớ địa danh phà Bến Thủy để khi trở lại thăm viếng có thể thắp nén nhang cho những đồng đội đã khuất” - ông Nguyễn Ngọc Long trăn trở.

 

Sẽ xây công trình tưởng niệm

 

Ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết cùng với phà Long Đại, phà Bến Thủy là một địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

 

“Hiện tại, ở đây chưa có công trình nào ghi nhận địa danh này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và xem xét xây dựng một công trình tưởng niệm để tri ân những người đã chiến đấu bảo vệ bến phà trong kháng chiến chống Mỹ” - ông Vĩnh nói.

 
 
Bài và ảnh: HẢI VŨ/ NLĐ