Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tràn lan thực phẩm không an toàn Tin mới nhất

(09:36:58 AM 14/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Thực phẩm Trung Quốc bán tại Việt Nam rất rẻ, thậm chí một số loại rẻ hơn cả hàng bán tại Trung Quốc. Các đầu nậu chào mẫu mới liên tục, giao hàng tận nơi và sẵn sàng “bao” luôn việc hợp thức hóa giấy tờ, hóa đơn

Gần đây, những cảnh báo về chất lượng hàng thực phẩm Trung Quốc (TQ) liên tục được thông tin nhưng tại thị trường TPHCM, nhiều loại thực phẩm TQ vẫn tràn ngập, nhất là các loại thực phẩm khô, bánh kẹo… Nhiều mặt hàng như nấm, măng khô, hạnh nhân, gia vị…, vẫn làm chủ thị trường, hàng Việt Nam cùng chủng loại chỉ chiếm một lượng nhỏ và không cạnh tranh lại.

 

Không bao bì, nhãn mác

 

Tại chợ Bình Tây (quận 6), những mặt hàng này được đóng trong các bao tải, không nhãn mác và cứ thế, người bán xả ra cân ký, đóng bịch bán cho khách. Theo các tiểu thương, phần lớn các loại thực phẩm khô này được nhập từ TQ dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng…
 
 
Các loại hàng này luôn dồi dào, mẫu mã đẹp (ví dụ nấm đông cô to đều, nấu nhanh chín, tai nấm mềm) và để bao lâu cũng được. Chị Nhung, nhà ở quận 8, từng phụ bán thực phẩm khô ở chợ này, cho biết: Nấm, măng, rong biển bị mốc chỉ cần ngâm nước hoặc nước muối rồi phơi khô là hết. Nếu hàng nào để lâu quá xuống màu hoặc bị mốc đen thì chủ hàng mang về “kho” tút lại là… đẹp như thường.
 
 
Thực phẩm Trung Quốc bán đầy ở các chợ tại  TPHCM. Ảnh: XUÂN THẢO
 
 
 
Một trong những mặt hàng TQ “làm mưa làm gió” trên thị trường TPHCM hiện tại là các loại bánh kẹo giá bình dân, chủ yếu nhắm đến đối tượng trẻ em. Tại khu vực bánh kẹo ở lầu 1 chợ Bình Tây, các loại bánh kẹo lạ, siêu rẻ được chất đống cho khách lựa chọn. Nhiều nhất là sô-cô-la, kẹo viên vitamin, kẹo dẻo màu sắc sặc sỡ đựng trong những thanh kiếm, đao, hộp quẹt gas… bằng nhựa để trẻ em sau khi ăn hết kẹo có thể sử dụng làm đồ chơi.
 
 
Các loại rau câu, xí muội, bánh gạo, bánh tráng cay chiên giòn, thịt hổ,… được đóng gói sơ sài trong các bịch ni lông lớn, mỗi bịch có vài chục sản phẩm nhỏ, giá chỉ trên dưới 30.000 đồng/bịch lớn.  Các loại thạch trái cây, bột ngũ cốc, bột sữa, nước giải khát TQ cũng không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt nhưng mùi vị rất đậm đà nên thường được các quán ăn, quán nước mua về pha chế.
 

Chất lượng khó lượng

 

Cuối tháng 8-2011, cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện nhiều tấn nhân bánh trung thu TQ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Loại nhân bánh này rất rẻ, chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg, trong khi 1 kg nhân bánh sản xuất theo phương pháp cổ truyền tại Việt Nam lên đến 120.000 -140.000 đồng/kg.
 
 

Tại chợ Bình Tây (quận 6 - TPHCM), phần lớn các loại thực phẩm khô này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Ảnh: XUÂN THẢO

 

 

Mới đây, Phòng Kiểm tra Nhà nước về thực phẩm nhập khẩu (Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) xét nghiệm 3 mẫu thực phẩm TQ là que cay, mực ăn liền và thịt hổ nhưng không thể phát hiện 3 sản phẩm này được làm từ chất gì, chế biến từ nguyên liệu nào...
 

Giới kinh doanh cho biết đặc điểm rất đặc trưng và là ưu điểm lớn của thực phẩm TQ là mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt, mùi vị đậm đà và giá rẻ nên rất dễ bán. Chẳng hạn, loại thức uống đóng chai có màu vàng sặc sỡ, giá chỉ 24.000 đồng/lốc 24 chai. Loại thức uống này thu hút trẻ em vì sau khi uống xong có thể sử dụng chai làm ống xịt nước để chơi.

 

Vùng trũng của hàng giá bèo

 

Bà Từ Như Nguyệt, chủ một doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo ngoại nhập tại TPHCM, cho hay nhiều người đã liên hệ với bà để đặt vấn đề kinh doanh hàng TQ. Nếu bà đồng ý phân phối, hàng sẽ được “rót” về tận nơi không cần phải lo giấy tờ, vận chuyển gì cả vì hóa đơn, chứng từ phía bán sẽ chuẩn bị đầy đủ. Còn về giá thì họ đưa ra đủ loại, giá nào cũng có, thậm chí có mức giá rẻ hơn hàng cùng loại trong nước đến 30%.

 

Còn theo bà Tô Thị Tuyết, kinh doanh thực phẩm chế biến tại chợ Bình Tây, các mặt hàng của TQ như mứt bí, cà na, xí muội, táo không hạt, cà bi, nấm đông cô… được mối lái giao hàng tận nơi với giá “mềm” hơn hàng trong nước khá nhiều. Bà Tuyết cũng cho biết đã nhiều lần sang TQ, thấy hàng thực phẩm chế biến của họ bán tại thị trường nội địa cao hơn giá hàng cùng loại bán tại Việt Nam từ 10% - 20%. Chẳng hạn, nấm đông cô bán tại TQ tính ra khoảng 250.000 đồng/kg nhưng tại cửa khẩu chỉ còn 170.000 - 180.000 đồng/kg.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, giải thích thị trường TQ rất rộng lớn, có đủ các mặt hàng từ giá cao đến giá thấp nhất. Sở dĩ họ sản xuất được hàng giá rẻ là do quy mô sản xuất thường rất lớn (kể cả cơ sở được xem là nhỏ) nên hạ giá thành sản xuất. Chưa kể doanh nghiệp của họ còn được sự trợ giúp của nhà nước. Cũng theo ông Viên, hàng hóa lưu thông qua đường tiểu ngạch giữa Việt Nam và TQ ước mỗi ngày từ 60 - 70 triệu USD nên rất khó kiểm soát.

 

Giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm tại TPHCM cho biết các cơ sở sản xuất ở TQ cũng có nhiều cấp, với hàng có chất lượng cao thì được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận, còn hàng giá rẻ sản xuất xong là chuyển ngay cho các đầu nậu để bán qua biên giới, tuồn sang tiêu thụ ở Việt Nam nên gần như không chịu sự giám sát nào về mặt chất lượng.

 

Hàng TQ khi về đến TPHCM thì được các đầu nậu tích cực chào hàng tại các cửa hàng, đại lý lớn. Có thế mạnh về vốn, các đầu mối này thường cho bạn hàng gối đầu công nợ dài ngày. Mỗi đầu nậu thường cung cấp nhiều mặt hàng nên chỉ cần giao dịch tại một đầu mối là đủ đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Với phương thức kinh doanh này, lượng bạn hàng của họ khá đông đúc, chân rết giao dịch phủ khắp nơi nên gần như chiếm lĩnh thị trường bình dân.

 

Giới kinh doanh cho biết đặc điểm rất đặc trưng và là ưu điểm lớn của thực phẩm TQ là mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt, mùi vị đậm đà và giá rẻ nên rất dễ bán.

 

Quản không xuể hay buông ?

 

Vì sao thực phẩm TQ giá rẻ, nhìn bằng mắt thường đã thấy không an toàn nhưng vẫn bày bán tràn lan trên thị trường?

 

Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho rằng: Không phải cơ quan chức năng không quan tâm. Chi cục QLTT vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhất là hàng thực phẩm chế biến có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, những mặt hàng thực phẩm TQ không phải là hàng cấm. Dù hàng bày bán tại các sạp không có bao bì hoặc nhãn phụ nhưng khi kiểm tra thì người bán chứng minh được hàng chứa trong bao bì lớn đều có nhãn phụ cũng như có hóa đơn, chứng từ. Còn vấn đề chất lượng hàng hóa có bảo đảm an toàn cho người sử dụng hay không phải nhờ đến ngành y tế. Nếu ngành y tế nghi ngờ lấy mẫu xét nghiệm và thông báo mặt hàng đó không bảo đảm an toàn thì cơ quan QLTT sẽ vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay...

 

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, lại giải thích: Việc quản lý hàng hóa trên thị trường là do cơ quan QLTT đảm trách. Cơ quan y tế chỉ giám sát về mặt chất lượng, có thể lấy mẫu hàng hóa trên thị trường để kiểm nghiệm mang tính tham khảo, nắm tình hình và cảnh báo chứ không có đủ cơ sở để xử lý. Chi cục chỉ có thể lấy mẫu hàng hóa tại  cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm mới có đủ cơ sở để xử lý... 

 

Thực tế cho thấy tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động chồng chéo, giẫm chân nhau đã tạo kẽ hở cho thực phẩm kém chất lượng TQ hoành hành.
 
Ngoài ra, việc cơ quan chức năng chậm ban hành những quy định chặt chẽ về hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nhập khẩu (chủ yếu dựa vào công bố chất luợng và giấy tờ chứng nhận của phía bán hàng để chấp nhận cho lưu thông) cũng tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.
 
 
Theo Người Lao Động