Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thành phố đang thiếu cây xanh - Ảnh minh họa
Hiện trạng
Hiện tại là mùa Thu, đã qua rồi những ngày hè nóng bức, oi ả nhưng có lẽ cũng không thể quên được cảm giác ngột ngạt của các phố phường tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà nẵng trong những ngày vừa qua. Khi nền kinh tế càng phát triển, thu nhập của người dân tăng cao nhưng chất lượng môi trường sống không cân bằng theo tỷ lệ thì không thể gọi là cuộc sống chất lượng cao. Ở các nước tiên tiến, chất lượng cuộc sống cao có tiêu chí về cây xanh rất lớn. Phát triển thành phố hiện đại, năng động về kinh tế là cần thiết nhưng cũng cần hài hòa giữa cơ sở hạ tầng và cảnh quan cây xanh.
Thành phố ngày càng thiếu vắng cây xanh. Những vùng vành đai thành phố trước kia bao gồm vườn cây, vườn rau, bãi cỏ nay đã được thay thế bằng những dãy nhà liên tiếp, hiện đại hơn, bề thế hơn và cũng ngột ngạt hơn. Còn những ngôi nhà trong đô thị dường như hiếm thấy nhà nào có chỗ cho cây trồng, cùng lắm là một vài kiểng cây cảnh đơn lẻ và ai cũng cố gắng tận dụng đất để xây nhà ở cho rộng hơn. Đô thị ngày càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm thì cây xanh càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống con người và là yếu tố quan trọng giúp đô thị phát triển bền vững.
Theo nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo. Thiếu cây xanh tưởng như chuyện nhỏ nhưng cư dân thành phố sẽ thấy ngay hiệu quả khi ra khỏi thành phố và hướng về các vùng ngoại ô có nhiều cây xanh bóng mát. Khi đó, ta sẽ có cảm giác mát mẻ và thoải mái và cảm nhận tầm quan trọng của cây xanh với quy hoạch đô thị.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.
Vấn đề phát triển cây xanh tại các đô thị hiện nay vẫn đang bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phát triển nhanh của các đô thị khiến cho hầu hết các nhà đầu tư sao nhãng đi việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian mở...
Dò tìm nguyên nhân
Nguyên nhân nào dẫn đến tính trạng trên, có lẽ đó chính là thiếu nguồn lực cho sự phát triển cây xanh. Hầu hết, nguồn lực chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có chi phí đầu tư cho cây xanh tương đối cao hơn, các đô thị còn lại hầu như được đầu tư với chi phí rất thấp. Việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra thường ngày. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh.
Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch không gian xanh, gắn với việc bảo vệ môi trường nhưng nhiều dự án chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn về quy hoạch cây xanh và loại cây trồng nên việc trồng cây chưa được chú trọng.
Giải pháp nào có thể áp dụng?
Liệu có cải thiện được tình trạng thiếu cây xanh? Đây là vấn đề không đơn giản như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, dù khó chúng ta vẫn có thể giải quyết được dù rằng cần có lộ trình thích hợp.
Cây xanh là phục vụ lợi ích công cộng nên đương nhiên là phải cần đến ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hằng năm thì rất khó đạt kết quả mong muốn. Để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.
Quản lý cây xanh cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Công tác khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà của mình cũng rất hữu ích, góp phần xanh hóa thành phố.
Theo Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người). Hà Nội có chỉ tiêu cây xanh thấp với chưa đầy 2m2/người. Trong khi đó, tại nhiều nước khác chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân đầu người nhiều thành phố rất cao: Các thành phố của Nhật đạt 7,5m2/người, London: 26,9, Berlin 27,4; New York 29,3...