Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều tuyến dân cư và tuyến đường nhựa liên xã ở ấp Long Thạnh A, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tiếp tục bị sạt lở nặng - Ảnh: ĐỨC VỊNH |
Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) dòng nước lũ đang áp sát tuyến đường nhựa ở xã Long Thuận khiến nó tiếp tục đứt thêm nhiều đoạn dài. Dọc bên đường là cảnh hoang tàn với dấu vết còn sót lại của những ngôi nhà bị tuôn đổ xuống sông và đó đây người dân đang tất tả tháo dỡ di dời nhà cửa như chạy loạn.
Chỉ mấy ngọn cây ló lên đang vật vờ giữa dòng nước xiết, bà Lê Thị Nga, ấp Long Hòa, bảo hồi mùa khô căn nhà bà đã dời sâu vô đất liền hàng chục mét, thế mà nay bờ sông đã lở sát hiên nhà. “Đất sụp mau quá, chưa từng có mùa lũ nào mà đất cứ lở liên tục như năm nay” - bà Nga buột miệng thở dài.
Thạc sĩ Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, thành viên mạng Sông ngòi Việt Nam, cho rằng cấu địa chất ở ĐBSCL vốn đã yếu, mấy năm qua lũ nhỏ, năm nay mực nước lũ cao khiến đất bờ sông ngậm nước làm giảm độ kết dính nên dễ xảy ra hiện tượng sụp đất. Mặt khác, khi xây dựng thêm hệ thống đê bao thì hành lang thoát lũ càng bị thu hẹp nên nước lũ đổ dồn vào các nhánh sông, kênh rạch. “Lưu lượng lũ và lưu tốc dòng chảy tăng lên đã tạo ra những hố xoáy gây sạt lở. Tới đây khi lũ rút tình hình sạt lở đất chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn” - ông Thư nhận định. |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hồng Ngự, từ tháng 7 tới nay tình hình sạt lở đất diễn ra hết sức phức tạp, toàn huyện liên tiếp xảy ra chín vụ nghiêm trọng làm đứt nhiều tuyến đường, mất đất ở khu vực đông dân cư. Ngoài ra còn có hiện tượng bờ sông bị lở ở một số xã trên chiều dài khoảng 17km, làm mất khoảng 17.000m2 đất, thiệt hại trên 2,5 tỉ đồng.
Tại huyện Thanh Bình tình trạng sạt lở bờ sông cũng gia tăng ở các xã Tân Bình, Tân Quới khiến hàng chục hộ dân mất đất, mất nhà phải di dời khẩn cấp. “Năm nay lũ lớn lại chảy xiết quá nên bờ sông sạt lở mạnh. Nhờ địa phương sớm cảnh báo và di dời dân nên không có thương vong”, phó chủ tịch UBND xã Tân Bình Lê Thanh Hiền cho hay.
Tại An Giang, bờ sông Tiền ở thị xã Tân Châu cũng đang bị lũ làm xói lở từng ngày. Xã Vĩnh Hòa liên tiếp xảy ra ba vụ lở đất trên tổng chiều dài 400m, có nơi sâu vào đất liền hơn 30m. Ông Phan Văn Niêu, phó chủ tịch UBND xã Châu Phong, cho biết mùa lũ này trên địa bàn xã có 500m bờ sông đang sạt lở, xã phải khẩn trương di dời bố trí nơi ở cho 64 hộ.
Mới đây vào ngày 2-9 lại bị sụp thêm 100m bờ sông ở ấp Vĩnh Tường. Trong khi đó lũ trên sông Hậu cũng đang bị “bà thủy” tấn công ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên; Bình Thủy, huyện Châu Phú; Bình Thạnh, Châu Thành... Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết không chỉ bờ sông Tiền, sông Hậu, mà dọc hai bên bờ nhiều tuyến kênh thoát lũ cũng đang bị sạt lở nặng.
Ông Lê Văn Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp, cũng nhận định mùa lũ năm nay số vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh tăng nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Chỉ riêng trong tháng 8 đã có tám khu vực xảy ra sạt lở nặng.
Theo ĐỨC VỊNH/TTO