Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biến dầu mỡ bẩn thành nhiên liệu sinh học

(12:38:19 PM 12/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trước thực trạng các nhà hàng khách sạn, quán ăn thải dầu mỡ dư thừa ra môi trường, bạn trẻ Dương Thị Thanh Thủy, công ty Cổ phần khách sạn Dầu khí PTSC (TPHCM) đã nghiên cứu xử lý nguồn nước thải độc hại này thành nhiên liệu sinh học biodiesel, có thể sử dụng cho các loại xe cơ giới,giảm được lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cao.

Dương Thị Thanh Thủy giới thiệu sản phẩm

 

 

Công trình của lòng say mê ...

 

Từ những năm còn là sinh viên trường Đại học, Dương Thị Thanh Thủy đã nung nấu ý tưởng nghiên cứu biến dầu mỡ bẩn tại tại các nhà hàng, khách sạn thải ra thành nhiên liệu sinh học. Và Thủy đã thực hiện thành công quy trình xử lý nguồn nước thải này thành nhiên liệu sinh học Biodiesel. Lượng dầu mỡ được lấy từ bể chứa dầu mỡ thải của các nhà hàng khách sạn được đun nóng đến 600C, đem khuấy trộn với hỗn hợp methanol và xúc tác NaOH trong 90 phút. Sau đó, hỗn hợp được để lắng trong 3 giờ sẽ phân thành hai lớp, chiết tách lấy lớp màu vàng nhẹ phía trên rồi đem trung hòa với Acid acetic (CH3COOH). Sau khi trung hòa, tiến hành rửa hỗn hợp bằng nước (nước ở nhiệt độ 600C). Sau khi rửa xong thì sử dụng một số chất phụ gia để làm sạch sản phẩm và sẽ thu được biodiesel.

 

Thanh Thủy cho biết, để thực hiện nghiên cứu bạn đã sử dụng nguyên liệu sản xuất là lượng dầu mỡ được lấy từ bể bẫy mỡ của khách sạn Park Hyartt Sài Gòn. Lấy 100 ml dầu mỡ, nung ở nhiệt độ 600C, tiến hành làm 3 thí nghiệm ở các mức 60 phút, 90 phút và 120 phút, hàm lượng xúc tác 2g – 6g, hàm lượng cồn MeOH từ 400 – 700ml. Sau khi tiến hành cho thấy điều kiện tối ưu để điều chế biodiesl là mức tỷ lệ cồn MeOH : dầu mỡ là 5ml:1ml, hàm lượng xúc tác 4g, thời gian phản ứng 90 phút, nhiệt độ phản ứng 600 C sẽ cho hiệu suất thu hồi biodiesl đạt tới 81%. Mẫu nhiên liệu biodiesel sau khi thu được đem đi kiểm nghiệm, cho kết quả về trị số acid, độ chớp cháy, độ nhớt động học … đều đạt tiêu chuẩn TCVN 7717 :2007 (tiêu chuẩn quy định các chỉ tiêu chất lượng của nhiên liệu diesel sinh học (B100), sử dụng như một thành phần để pha trộn với nhiên liệu điêzen dầu mỏ).

 

Đồng thời, qua nghiên cứu, tác giả đã tính toán thiết kế hệ thống nhà máy xử lý dầu mỡ công suất 15m3 mỡ/ngày để thu gom dầu mỡ từ các khách sạn lớn tại TP.HCM, gồm các hệ thống như bồn chứa dầu mỡ, bồn phản ứng, bồn lắng chiết, bồn lọc, chưng cất…

 

Cần  hỗ trợ nguồn nguyên liệu thích hợp

 

Theo Thủy, dự án tuy có qui mô rất nhỏ nhưng qua tính toán đã có lợi nhuận đáng kể, do đó nghiên cứu đã mang lại lợi ích lớn cho việc thu hồi biodiesel góp phần giảm ô nhiễm nước thải, dầu biodiesel thành phẩm có thể sử dụng cho các loại xe cơ giới như xe tải, xe buýt…, ước tính giá bán nhiên liệu biodiesel là 21.000đ/lít.

 

TS Lê Thượng Mãn, phó chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM nhận định, việc ứng dụng quy trình sản xuất dầu sinh học biodiesel từ nước thải nhà hàng khách sạn có khả năng nhân rộng trong thực tế vì tính kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ về đề án sản xuất vì xử  lý chất thải này cần mặt bằng xa khu dân cư và khâu thu gom dầu mỡ đưa về xưởng sản xuất, đến việc xử lý chất thải phụ như chất xúc tác, chất rắn thải ra từ quá trình sản xuất phải tuyệt đối không để ảnh hưởng tới môi trường. Mặt khác, khi sử dụng nhiên liệu này cho hệ thống xe cơ giới thì cần phải nghiên cứu các pha chế phù hợp cho động cơ xe.

 

Năm 2007, Trung tâm Lọc hóa dầu ĐH Bách khoa TPHCM đã hoàn thiện quy trình công nghệ tái chế dầu ăn thành nhiên liệu, công suất 2 tấn/ngày. Dầu ăn đã qua sử dụng được thu mua để tái chế thành dầu biodiesel chạy động cơ ô tô  với tỷ lệ pha 1 biodiesel - 9 diesel.  Song trung tâm chỉ có thể thu mua dầu ăn phế thải với giá khoảng 5.000 đồng/lít, chưa bằng phân nửa giá thu mua trên thị trường (12.000-15.000 đồng/lít). Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng cũng thực hiện thành công công nghệ sản xuất biodiesel từ tất cả các loại hạt có dầu tại Việt Nam, cho ra loại nhiên liệu sạch, từ dầu ăn phế thải. Tuy vậy, chi phí nguyên liệu sản xuất biodiesel cao, không ổn định, không thể cạnh tranh với xăng dầu bình thường trên thị trường… nên rất khó ứng dụng.

 

Do đó, để công nghệ sản xuất dầu sinh học và hàng loạt giải pháp tái chế chất thải đã có được đưa vào ứng dụng thực tế thì cần đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nguồn nguyên liệu, trợ giá cho các sản phẩm tái chế cụ thể trước khi đưa ra thị trường, đồng thời thực hiện sâu rộng, triệt để công tác phân loại rác tại nguồn trước khi đưa vào xử lý.

Nước thải từ nhà hàng, khách sạn có tỷ lệ chính là dầu mỡ rất cao, khó phân hủy. Cũng cùng là dầu mỡ thải nhưng nếu dầu mỡ nhiều acid béo không no thì sự phân hủy nhanh hơn, ít độc hơn, còn dầu mỡ no khó phân hủy hơn, dầu mỡ động vật thải ra môi trường có hàm lượng độc cao hơn. Ngoài thành phần chủ yếu là acid béo thì nước thải dầu mỡ từ nhà hàng khách sạn còn có một số chất như đạm, sắt, kim loại khác hòa tan trong đó dưới dạng vi lượng. Để hạn chế chất thải nguy hại này ra môi trường, các nhà hàng khách sạn nên có hệ thống xử lý như làm màng bán thấm cho nước đi qua, giữ lại dầu, hoặc có bể chứa cho dẩu nổi lên mặt bể để vớt, có thể dùng phương pháp cô đặc dầu mỡ lại cho nước bay hơi… Nhưng thực tế, chỉ các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn mới tuân thủ các quy trình xử lý nước thải dầu mỡ, còn đa số vẫn xả trực tiếp ra môi trường chất thải khó phân hủy này.

 GS.TSKH. Lê Huy Bá (Viện trưởng Viện Tài Nguyên môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM)

Lê Nguyễn Minh Anh