Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác ô nhiễm ven biển - Ảnh minh họa
Theo kịch bản Biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 100cm thì diện tích ngập nước của Phú Yên trên 44 km2. Điều này sẽ đe dọa, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các hộ dân ven các thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đông Hoà, Tp. Tuy Hoà.
Bên cạnh nguy cơ nước biển dâng, người dân ven biển còn gánh chịu hậu quả của các hiện tương xâm thực, xói lở, thiên tai gây ngập mặn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay nhiều huyện trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị xói lở nghiêm trọng. Cụ thể, phạm vi sạt lở ở thị xã Sông Cầu từ 300m - 1,5km, huyện Tuy An là 700m - 1,5km. Tốc độ sạt lở hàng năm từ 10 -20m, cá biệt có nơi từ 25 -35m/năm.
Chất lượng nước vùng biển ven bờ của Phú Yên còn có dấu hiệu ô nhiễm ở các vùng biển ven bờ thuộc khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, khu công nghiệp Hoà Hiệp, các cảng cá. Ở các khu vực đó, các chỉ tiêu về tổng chất rắn lơ lửng, nhu cầu ô xy hoá học, hàm lượng sắt, hàm lượng sắt… đều vượt quá Quy chuẩn Việt Nam.
Còn ở các đầm, vịnh thì hàm lượng DO thấp, riêng đầm Ô Loan, trung bình chỉ có 4,6mg/l (thấp nhất 2,0mg/l) không đạt quy chuẩn. Đây là dấu hiệu bất lợi cho hoạt động sống của các sinh vật thủy sinh và nghề nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hàm lượng BOD5 ở các thuỷ vực đều thấp, dưới mức 3,0mgO2/l. Hàm lượng COD vượt Quy chuẩn. Cụ thể, hàm lượng COD ở đầm Cù Mông dao động trong khoảng từ 32- 128mg/l, vượt quy chuẩn từ 10,6- 42,6 lần; ở khu vực Vịnh Xuân Đài dao động trong khoảng 56- 110ml/g, vượt quy chuẩn từ 18,6- 36,6 lần; ở đầm Ô Loan dao động trong khoảng 20- 96mg/l, quy chuẩn từ 6,6- 32,6 lần.
Mật độ vi sinh vật gây bệnh coliform và feacal coliform thường cao trong mùa mưa và thấp hơn trong mùa khô, tuy phần lớn mẫu khảo sát cho thấy mật độ của các nhóm vi sinh vật này nằm trong giới hạn của QCVN 10:2008/BTNMT, nhưng cũng đã có dấu hiệu về sự nhiễm khuẩn khá cao ở khu vực đầm Ô Loan thuộc xã An Cư khi tổng coliform lên đến 11.000MPN/100ml nhất là đầm Ô Loan khu vực có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn ở Phú Yên hàm lượng DO chỉ là 4,6mg/lít, không đạt quy chuẩn đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ sinh vật cảnh.
Tình trạng ô nhiễm đã làm các loài thuỷ sản giảm đáng kể. Trong đó, đặc sản sò huyết ở đây đã giảm đến 95% và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Một trong số những nguyên nhân do con người gây nên. Tại 18 thôn thuộc 12 xã ven biển: 100% chất thải nuôi trồng thuỷ sản đổ thẳng ra biển mà không qua xử lý. Ngoài ra, việc khai thác thuỷ sản bằng các ngư cụ huỷ diệt như xung điện, chất nổ, thuốc mê… cũng góp tay khiến nhiều loại thuỷ sản đứng trước nguy cơ biến mất. Áp lực mưu sinh khiến số lượng người dân sinh sống bằng nghề thuỷ sản ngày càng đông thêm. Tỷ lệ ngư dân nghèo, kiến thức về tài nguyên, môi trường chưa cao là khó khăn lớn trong công tác bảo vệ giá trị TN&MT .
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều tra, kiểm kê TN&MT biển còn thiếu. Việc điều tra, đánh giá tài nguyên chỉ mới tập trung vào tài nguyên sinh vật còn các loại tài nguyên phi sinh vật khác chưa được điều tra, đánh giá như: dầu mỏ, kim loại, quặng... và chỉ tập trung ở vùng ven bờ, chưa triển khai ở các vùng xa bờ, chỉ mới tập trung điều tra đánh giá về mặt định tính, chưa có đánh giá về định lượng. Công tác quan trắc môi trường còn hạn chế, chỉ mới tập trung ở ven bờ chưa quan trắc ở vùng xa bờ và chỉ mới quan trắc được 10/28 chỉ tiêu theo QCVN 10: 2008/BTNMT và không được thường xuyên (01 năm chỉ 02 lần). Kinh phí cấp cho công tác điều tra cơ bản nói chung, TN&MT biển nói riêng còn thấp và không được thường xuyên.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ Phú Yên cần kiện toàn và tăng cường nguồn lực quản lý và điều tra, đánh giá TN&MT biển đảo; xây dựng và cụ thể hóa các quy định về quản lý, điều tra tổng hợp về TN&MT biển đảo.
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức ngư dân về quản lý, bảo vệ chủ quyền, TN&MT biển, hải đảo;
Đầu tư trang thiết bị, phương tiện và kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, điều tra cơ bản về TN&MT biển đảo.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia quản lý, điều tra, bảo vệ, phát triển TN&MT biển, đảo.
Sớm ban hành thông tư thành lập Chi cục biển và Hải đảo, Luật và các văn bản dưới luật về bảo vệ TN&MT biển.
Hỗ trợ các địa phương tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo theo Quyết định 373/QĐ- TTg ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Phú Yên thực hiện chương trình điều tra TN&MT biển theo Quyết định 47/2006/QĐ- TTg ngày 01/3/2006 và chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ theo Quyết định 158/2007/QĐ- TTg ngày 09/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ.