Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nuôi gà kiểng

(11:00:17 AM 11/09/2011)
(Tin Môi Trường) - Từ thú vui nuôi gà làm kiểng, anh Phạm Hồng Đức đã nhân giống thành công nhiều loại gà kiểng mới đáp ứng nhu cầu thị trường

 
Bế trên tay chú gà kiểng Serama có trọng lượng khoảng 300 g, anh Phạm Hồng Đức, chủ trại gà Đức Yến (phường 13, quận Bình Thạnh – TPHCM), nhẹ nhàng vuốt ve bộ lông nó.
 
 
Được thả xuống đất, chú gà ưỡn ngực, vươn cao đầu để mỏ và lưng thẳng trục với chân, đuôi vểnh lên trời. “Đây là giống gà có nguồn gốc từ Malaysia, trọng lượng nhỏ nhất thế giới nhưng có dáng rất hùng dũng. Chính vì cái dáng dũng mãnh trong thân thể nhỏ bé ấy mà tôi yêu loài gà này và nhân giống thành công chúng tại Việt Nam”- anh Đức cho biết khi đưa tôi thăm trại gà, nơi có nhiều giống quý được anh sưu tầm. 
 

Thử rồi mê mẩn

 

Từ nhỏ, Phạm Hồng Đức đã đam mê chim, hoa, cá kiểng. Sau những buổi đi học, anh thường tìm những chú chim rừng như họa mi, sơn ca, chích chòe về nuôi trong nhà. Lớn lên, sở thích ấy không mất đi mà ngày càng mãnh liệt. Trong suốt thời gian làm nghề thiết kế sân vườn, anh vẫn không quên sưu tầm cho mình những chú chim lạ, những chiếc lồng son thật đẹp.
 
 
Anh Phạm Hồng Đức với chú gà kiểng Serama
 
 
“Ngoài việc nuôi chim, trồng kiểng, tôi còn sưu tầm các giống gà Tân Châu, gà rừng... Cách đây hơn 5 năm, một lần tình cờ lên mạng tìm kiếm thông tin, tôi thấy hình ảnh những chú gà nguồn gốc từ Malaysia có tên gọi Serama rất đẹp, có thể nuôi trong lồng như chim. Tôi quyết định tìm mua giống gà này về nuôi thử”- anh kể.
 

Để có được những chú gà giống Serama, Đức phải nhờ bạn bè ở Thái Lan mua về với giá mỗi con gần 10 triệu đồng. Anh hào hứng nhớ lại: “Khi nhìn thấy những chú gà thật, tôi càng mê mẩn vì dáng chúng rất oai phong, màu sắc bắt mắt. Tôi mê đến nỗi quyết tâm nhân giống để có thêm thật nhiều...”.

 

Thành công

 

Việc nhân giống, mới nghe tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy rất khó vì không có tài liệu. Qua vài chục lần để gà tự phối giống, Đức mới phát hiện: Gà Serama rất khó đạp mái vì chúng quá nhẹ, lưng lại thẳng đứng. “Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định phối giống theo phương pháp nhân tạo. Lần này thì cũng phải tự mày mò, thử nghiệm...”- anh tiết lộ.

 

Ông Phan Văn Bờ, nguyên phó chủ nhiệm CLB Chim kiểng TPHCM, cho biết: “Với việc cung cấp gà kiểng, Đức đã tạo ra một thú vui mới dành cho mọi người vốn tất bật trong cuộc sống hiện đại hôm nay”.

Làm tới làm lui, trật vuột nhiều lần, anh mới rút ra được kinh nghiệm là phải bế gà trống lên tay, vuốt nhẹ vào lưng để chúng xuất tinh và đưa ngay tinh ấy vào gà mái. Thụ tinh thành công rồi, rắc rối lại nảy sinh trong khâu ấp trứng. Lại thử nghiệm, lại đổ bỏ trứng ung, trứng thối hàng chục lần.

 

Kết cục, anh nhận ra trứng gà khi ấp cần qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu ấp trứng ở nhiệt độ 37,5°C và độ ẩm khoảng 65%. Giai đoạn 2 cần độ ẩm tăng lên nhưng nhiệt độ lại giảm bớt 1°C. Riêng giai đoạn cuối, nhiệt độ chỉ cần khoảng 36°C nhưng độ ẩm lại tăng lên 75%. Cũng giống như gà ta, gà Serama ấp trong 19 ngày rưỡi thì nở.
 

Mất một năm ròng nghiên cứu, những chú gà Serama đầu tiên có dáng vẻ oai phong đã được Đức “trình làng”.

 

Đưa gà kiểng ra thị trường

 

Biết Đức nhân giống thành công, nhiều khách hàng tìm đến mua, trong đó có nhiều người đến từ các tỉnh, thành. Anh kể: “Có lần, nhiều khách hàng từ ngoài Bắc gọi điện vào yêu cầu tôi gửi gà ra ngoài đó. Tôi sợ đường xa, chi phí mắc nên cũng e ngại nhưng khách hàng bảo chi phí là chuyện nhỏ, miễn có gà là được. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư cho việc nhân giống gà này”.

 

Đến nay, từ những chú gà ban đầu, anh đã nhân giống thành công và cung cấp cho thị trường hơn 500 chú gà kiểng Serama. Điều đặc biệt là gà của Đức bán chỉ bằng 20% so với giá gà mà trước đây anh mua vào. Ngoài việc bán gà, anh còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như kinh nghiệm nuôi cho người chơi.

 

Giới thiệu gà kiểng Việt Nam với thế giới

 

Hiện ngoài giống gà Serama, Đức còn sưu tập thêm giống các loại gà Thái, gà Phoenix (Mỹ) và cả gà Tân Châu (Việt Nam). Điều anh trăn trở là chưa đưa được giống gà kiểng Việt Nam ra thị trường quốc tế. Anh cho biết: “Trong quá trình nuôi gà, tôi nhận thấy gà Tân Châu Việt Nam được bạn bè các nước yêu thích vì chúng có bờm rất đẹp. Sắp tới, tôi sẽ lai giống giữa gà Tân Châu với gà Phoenix để cho ra giống gà mới có bờm đẹp, đuôi dài 2 m. Khi ấy, tôi sẽ tiến hành giới thiệu giống gà mới có bờm to, đuôi dài đến với bạn bè thế giới”.

        
Bài và ảnh: Huỳnh Nga (NL)Đ