Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Điều trị HIV 2.0, một sáng kiến phối hợp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), sẽ được thí điểm tại ba huyện Mường Ẳng, Điện Biên, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ với tổng cộng 12 xã, phường.
Tiến sỹ Fabio Mesquita, đại diện Tổ chức y tế thế giới giới thiệu chương trình tai hội thảo
Phó giáo sư T.S Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết trọng tâm thí điểm điều trị HIV 2.0 là việc phân cấp các dich vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị toàn diện xuống đến tuyến xã và đây là bước đột phá nhằm tăng số người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị sớm, hướng tới loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng hiệu quả điều trị và tính bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Các đại biểu tham dự hội thảo, những người sẽ trực tiếp thực hiện thí điểm điều trị 2.0 đã thảo luận các vấn đề xoay quanh việc khắc phục những khó khăn khi triển khai chương trình, như lực lượng cán bộ y tế xã và thôn bản còn thiếu và chưa đủ năng lực; cơ chế phối hợp giữa đội bác sỹ lưu động tuyến trên và cán bộ y tế tuyến cơ sở cũng như giữa các chương trình và dự án đang thực hiện trên địa bàn để tối ưu hóa việc lồng ghép, phối hợp trong cung cấp dịch vụ; làm sao để phát huy vai trò của những người đang sống với HIV trong việc tiếp cận, tư vấn và kết nối dịch vụ cho những người có nguy cơ cao ngay tại cộng đồng và đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Cán bộ y tế địa phương tham khảo chương trình
Với điều trị HIV 2.0, người nhiễm HIV giờ sẽ chỉ uống một viên thuốc kháng vi-rút duy nhất một lần mỗi ngày thay vì phải uống ba viên thuốc khác nhau mỗi ngày theo cách điều trị hiện thời; việc sàng lọc và xét nghiệm HIV, trả kết quả sẽ diễn ra ngay tại xã phường trong ngày so với ít nhất là một tuần trước đây; người nhiễm HIV sẽ được bắt đầu điều trị sớm hơn rất nhiều (khi CD4 ở ngưỡng 350) để giảm các nhiễm trùng cơ hội và nguy cơ lây truyền HIV sang người khác; tất cả các phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu và theo dõi, những phụ nữ mang thai dương tính với HIV sẽ bắt đầu được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con ngay từ tuần thứ 14 chứ không phải đợi đến tuần thứ 28 của thai kỳ như hiện nay.
Nói đến triển vọng của chương trình này, tiến sỹ Fabio Mesquita, đại diện Tổ chức y tế thế giới tai hội thảo, nhấn mạnh rằng, việc triển khai điều trị 2.0 sẽ giúp lồng ghép tốt các dịch vụ HIV vào hệ thống y tế công cộng, mở rộng đáng kể độ bao phủ của chương trình điều trị HIV, và giúp Điện Biên có thể thực hiện được việc loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thực hiện không còn ca nhiễm HIV mới trong trẻ em là một trong những mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết đạt được vào năm 2015 khi ký vào Bản tuyên bố chính trị về HIV/AIDS năm 2011 của Đại hội đồng LHQ vào tháng 6 vừa qua.
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, 80% các ca nhiễm HIV tại Điện BIên là do lây truyền qua đường máu. Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai tại đây cao gấp bảy lần so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Có tới hơn một nửa số người nhiễm HIV ở Điện Biên tiếp cận tới chương trình chăm sóc điều trị rất muôn, và độ bao phủ của chương trình này vẫn còn thấp, mới điều trị được cho 763 trong tổng số 4330 người nhiễm HIV. Điện Biên sẽ cùng với Cần Thơ thí điểm triển khai sáng kiến điều trị 2.0 từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012 trước khi chương trình được mở rộng ra các tỉnh thành khác. Hội thảo lập kế hoạch tại Cần Thơ sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20 tháng này.