Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Môi trường không được hoàn thổ sau khai khoáng đã dẫn tới lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân nơi đây.
Chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Đoàn hơn một cây số là điểm khai thác quặng bô xít nằm trên đồi Cốc Thộc và Kéo Hén thôn Khòn Pá. Tuy đã ngừng khai thác hơn một năm nay, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Hồng Linh có trụ sở ở thành phố Lạng Sơn - đơn vị được cấp phép khai thác tận thu khoáng sản tại đây vẫn chưa được hoàn thổ. Theo điều tra của phóng viên TTXVN tại Lạng Sơn thì chỉ trong 8 năm (2002 – 2010), doanh nghiệp khai khoáng hoạt động đã đào xới hàng ngàn mét khối quặng mang đi và để lại những vạt đồi bị đào xới tan hoang như bãi chiến trường.
Thôn Khòn Pá có trên 20 ha đất rừng thì có tới gần ½ diện tích bị ảnh hưởng. Ông Liểu Văn Vê, một người dân trong thôn cho biết: Khi doanh nghiệp rút đi, môi trường không được phục hồi, gần 2ha đất rừng của gia đình tôi bị ảnh hưởng, không thể trồng được cây gì. Sau khai khoáng, đất rừng bị cày xới tan hoang, ngổn ngang những hố, rãnh sâu hun hút, cùng những ta luy dựng đứng không chỉ gây khó khăn cho sản xuất mà gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân và đàn gia súc, tại đây đã có trường hợp trâu, bò chết vì trượt ngã từ ta luy. Ngoài những hộ có đất rừng bị ảnh hưởng bởi khai khoáng, hiện tại thôn Khòn Pá còn gần hai chục hộ dân phía dưới khu vực mỏ thường xuyên phải chịu cảnh đất đá sạt lở xuống ruộng, vườn.
Ông Hoàng Văn Thiêm - Chủ tịch UBND xã Tân Đoàn cho biết: Tuy doanh nghiệp đã rút khỏi địa bàn hơn một năm nay, nhưng chưa thấy cơ quan, đơn vị nào đến xem xét thực trạng môi trường khu vực khai thác khoáng sản. Hiện trên địa bàn xã có một doanh nghiệp đang khai thác đá xẻ tại khu vực mỏ đá Nà Chiêm, và sắp tới sẽ có 2 doanh nghiệp khác khai khoáng quặng sẽ vào hoạt động. Vẫn biết, các doanh nghiệp này sẽ tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng nếu như sau khi khai thác, họ không tiến hành hoàn thổ thì sẽ lại ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của nhân dân.
Hiện nay, không riêng ở Tân Đoàn, mà tại các vùng có tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Lạng Sơn, hoạt động của các đơn vị khai khoáng góp phần giải quyết cho lao động địa phương và đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Song để việc khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với chính quyền địa phương và người dân trong giám sát hoạt động khai khoáng, tránh để tình trạng khai thác xong, doanh nghiệp rút đi, để lại đồi núi tan hoang, môi trường ô nhiễm, người dân lại là người phải gánh chịu hậu quả lâu dài.
Thái Thuần/TTXVN