Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Rác thải Việt Nam – Tiềm năng bỏ ngỏ
Theo thống kê của tổ chức quốc tế IFRC cho biết: lần đầu tiên trên lịch sử thế giới, số cư dân sống ở đô thị cao hơn cư dân sống ở nông thôn. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 3,3 tỉ người sống tại các đô thị, trong đó có khoảng 1 tỉ người sống trong những điều kiện vô cùng tồi tàn.
Hình minh họa về trẻ em trong các đô thị nghèo
Tại Việt Nam, nhờ những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, tốc độ đô thị hóa diễn ra vô cùng nhanh chóng. Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%. Nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng: để cuộc sống thuận lợi, bình quân trên 1km2 chỉ nên có từ 35 đến 40 cư dân. Ở Việt Nam, mật độ dân số cao gấp khoảng 6 - 7 lần so với mật độ chuẩn. Trên thế giới, chỉ có 4 nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Băng-la-đét, Phi-líp-pin) có mật độ dân số cao hơn Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số rất lớn và quy mô đó vẫn tăng mạnh - trong 5 năm gần đây, mỗi năm dân số nước ta tăng thêm khoảng 1,1 triệu người.
Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, quá trình đô thị hoá ở Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như hiện nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hoá. Mặt trái của quá trình đô thị hóa quá nhanh thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Quá trình công nghiệp hóa và di dân sẽ kéo theo đô thị hóa tự phát, đô thị sẽ mở rộng và dân số hội tụ trong khu vực đô thị sẽ ngày một gia tăng.
Hà Nội và Tp.HCM đã đang và sẽ cuốn hút rất nhiều dân nhập cư từ các vùng nông thôn và khu vực kề cận. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng đã khiến một lượng lớn cư dân nông thôn bị mất đi số lượng đất đai sản xuất nông nghiệp, thiếu công ăn việc làm, không có thu nhập và trở thành dân nghèo đô thị. Điều này dẫn đến tỷ lệ nghèo đói tại các đô thị trở nên trầm trọng hơn. Một thực tế là người dân nghèo đang dần dần bị đẩy ra xa các khu đô thị hoặc bị dồn vào những ngõ nhỏ, những khu vực có điều kiện sống thấp và ít được tiếp cận với các khu dịch vụ đô thị, không phúc lợi xã hội, hoặc phải trả chi phí dịch vụ cao hơn. Môi trường sống ở đô thị nhiều khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng với nồng độ bụi trung bình gấp 2 – 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Ở các khu vực đang xây dựng, sửa chữa có nồng độ bụi cao gấp 5 – 7 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Lượng rác thải ngày một nhiều hơn, điều kiện xử lý rác thải xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ. Tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông tại đô thị diễn ra phổ biến. Đất cho cây trồng, sinh hoạt cộng đồng ngày càng bị thu hẹp.
Theo Ngân hàng Thế giới, ngân sách mà Việt Nam cần phải huy động để cải thiện hạ tầng đô thị trong những năm tới là những con số khổng lồ. Sự chênh lệch giữa tầng lớp giầu và nghèo cũng rất cao, phân cấp xã hội ngày càng sâu sắc. Tổ chức Y tế Thế giới đã tỏ ra rất lo ngại là tại sao nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt mà chất lượng dân số lại ở mức thấp? Chất lượng dân số thấp là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt nước nhà trước nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, chiến lược đô thị hóa của Việt Nam phải hướng tới mục tiêu bền vững, cân bằng giữa con người, môi trường và kinh tế xã hội. Đô thị hóa tại Việt Nam cần cố gắng đạt các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, thay đổi cơ cấu kinh tế nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập và phát triển bền vững. Việc quản lý đô thị sai lệch hoặc thiếu sót sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực của đô thị, làm ảnh hưởng đến khả năng giảm nghèo của chính đô thị đó. Quản lý đô thị tốt là yếu tố cơ bản đảm bảo người dân được quyền tham gia trong công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, không bị loại khỏi bên lề xã hội và được quan tâm, chăm sóc trong hoàn cảnh thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu. Nếu được quản lý tốt, người dân đô thị sẽ được hưởng cuộc sống có chất lượng tốt và sẽ có tuổi thọ cao hơn.
Đô thị hoá là quá trình không thể tránh khỏi, không ai có thể dập tắt nó, bởi vậy tốt hơn là có sự chuẩn bị thích ứng hơn là né tránh hoặc loại bỏ đô thị hóa. Mức độ và quy mô của phát triển đô thị cần có cuộc cách mạng về hoạch định chính sách. Không có một quốc gia nào trên thế giới mà đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế lại không trải qua giai đoạn đô thị hoá, trong đó có Việt Nam. Tương lai của chính người dân, tất cả phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị thích ứng với quá trình đô thị hoá nhảy vọt này !