Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ô nhiễm tràn ngập ở huyện Bình Chánh -TPHCM

(21:36:44 PM 09/09/2011)
(Tin Môi Trường) - Người dân vẫn khẳng định môi trường sống của họ đang bị ô nhiễm do nước thải và khói bụi, còn doanh nghiệp cho rằng nước thải đã được xử lý đạt yêu cầu

Ngày 8-9, HĐND TPHCM đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý nước thải tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh - TPHCM) nhằm phúc tra những phản ánh của người dân ở 3 xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi (huyện Bình Chánh) về tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
 
Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nếu trước đây, vấn đề ô nhiễm tại KCN Lê Minh Xuân ở nguồn nước, nổi bật là câu chuyện kiến vàng chết, lá cây bạc màu, thì nay có thêm “nhân tố mới” là ô nhiễm khói bụi.

 

Cống xả gây ô nhiễm vô chủ

 

Ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc KCN Lê Minh Xuân, cho biết KCN có nhà máy xử lý tập trung với công suất 4.000 m3/ngày đêm, hiện đấu nối và xử lý 3.500 m3/ngày đêm. Hằng năm, KCN tổ chức 2 lần kiểm tra việc tái đấu nối của các doanh nghiệp. Kết quả của nhà máy xử lý tập trung được lấy mẫu hằng ngày, đều đạt quy định.
 
 
Riêng 2 kênh B và C thuộc sự quản lý của Công ty Dịch vụ Khai thác thủy lợi đã lâu không được nạo vét, bồi lắng nên nước đen. Xác nhận kết quả xử lý của KCN, ông Phạm Thanh Trực, Trưởng Phòng Quản lý môi trường của Ban Quản lý các KCX - KCN TP (Hepza), cho rằng trước kia vì phải gánh cả nước thải của khu tiểu thủ công nghiệp nên nhà máy xử lý tập trung bị quá tải, sắp tới, nâng công suất lên 6.000 m3/ngày đêm thì việc xử lý nằm trong tầm tay của KCN.
 
 
Riêng vấn đề ô nhiễm khói bụi, ông Trần Hồng Sơn cho rằng nhiều doanh nghiệp (trong khu tiểu thủ công nghiệp) chỉ đem dây đồng về đốt nhưng họ cho rằng nếu xử lý khói thải thì đồng đốt ra không bán được vì giá quá cao.
 
 
Nước từ khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân xả ra kênh 9 qua cống số 2 luôn có màu đen
 
 
Trong khi đó, người dân vẫn khẳng định môi trường sống của họ đang bị ô nhiễm do nước thải và khói bụi từ KCN. Ông Nguyễn Hồng Phúc, xã Lê Minh Xuân, phản ánh: Tại tổ 12, ấp 7 thường xuyên bị đổ ra hàng chục bao chất thải rắn, người dân phải kéo vào rừng sâu mới dám xả ra, trong đó là chất bột màu trắng.
 
 
Cây trồng ít trái hoặc không có trái, lúa trồng không có rễ hoặc lưa thưa rễ… là những hiện tượng bất thường được người dân chỉ ra. Còn ông Nguyễn Thuận Giàu, trưởng ấp 7, xã Lê Minh Xuân, cho biết tại cống số 10, vào những ngày cuối tuần, thường có hiện tượng nước màu hồng xả ra vào khoảng nửa đêm, 2-3 ngày sau thì đen thui. Riêng hiện tượng khói bụi thì chính Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, ông Nguyễn Tấn Tuyến, làm chứng: Ngày nắng, khói bụi phát tán khắp nơi, còn ngày mưa không bay được nên là là dày đặc như sương mù.
 
 
Điều khó hiểu là một trong những “điểm đen” ô nhiễm gây bức xúc cho người dân là cống 6, được cho là cống xả nước từ trong KCN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Chánh (chủ đầu tư hạ tầng KCN Lê Minh Xuân), khẳng định KCN không xả ra cống 6.
 
 
Ông này cũng cho rằng nước xả ra các kênh không chỉ của riêng KCN mà còn có cả nước sinh hoạt của người dân. “Nước thải ra màu hồng chắc chắn không phải là nước sinh hoạt mà có doanh nghiệp xả lén, Hepza sẽ sớm tìm hiểu việc này”- ông Trực khẳng định.
 

Chưa nhận diện được thủ phạm

 

Vậy ai là thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm tràn lan quanh KCN Lê Minh Xuân? Theo ông Trực, không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp thiếu ý thức đã lắp đặt hệ thống xử lý nhưng không vận hành hoặc xả lén. “Như vậy, vấn đề ở đây là có sự đối phó của các doanh nghiệp được kiểm tra, chẳng lẽ không có cách nào kiểm tra đột xuất mà không cần báo trước?” - bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, đặt vấn đề.
 
 
Ông Sơn cho rằng không cần báo trước doanh nghiệp mới đối phó, vừa phạt xong hôm trước, hôm sau doanh nghiệp đã vi phạm và dẫn chứng bằng danh sách gần chục cơ sở vi phạm đã bị xử phạt.
 
 
Chưa thấy đề cập nhiều về các giải pháp, bà Trương Thị Ánh đề nghị địa phương, KCN cũng như các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp để tháo gỡ vấn đề môi trường tại KCN cũng như tiểu thủ công nghiệp. “Nếu có vướng mắc về chính sách hay luật, các đơn vị cứ mạnh dạn kiến nghị” - bà Ánh gợi ý.
 
 
Ngay lập tức, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh kiến nghị TP cần ra cơ chế: Doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều lần sẽ bị đình chỉ hoạt động và phân cấp quyền đình chỉ cho địa phương. Đại diện chủ đầu tư cũng kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xử lý khí thải hoặc di dời các cơ sở này một lần nữa.
 
 

Trồng cây xanh cách ly

 

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, một trong những biện pháp để giảm ảnh hưởng ô nhiễm cho người dân là xây dựng vùng đệm cây xanh cách ly. Theo quy hoạch, vùng đệm này có diện tích 5,4 ha, giải tỏa 144 hộ dân nhưng do chủ đầu tư KCN không tiến hành quyết liệt, đến nay, số hộ đã lên 156. Huyện Bình Chánh chuẩn bị khảo sát, đo vẽ lại hiện trường vùng đệm này.

    
Bài và ảnh: THU SƯƠNG/NLĐ