Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trăn trở về câu chuyện 3 R

(10:10:50 AM 09/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Rác thải đã trở nên bức xúc, đặc biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước cũng vô cùng bức xúc và nhận thấy rằng cần phải có một cuộc cách mạng về vấn đề này.

3R đang là vấn đề mà nhiều nhà lãnh đạo quan tâm- Ảnh minh họa

 

Một loạt các chương trình, hội thảo… diễn ra để cùng bàn về phương pháp, cách thức giải quyết vấn nạn rác thải, trong đó có nhiều hội thảo bàn về ứng dụng công nghệ xử lý rác thải mang tính hiện đại, văn minh.

 

Nhiều quốc gia tiên tiến cũng đã giới thiệu cho Việt Nam các công nghệ tốt để giúp chúng ta xử lý vấn đề này nhưng khá tốn kém và chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ứng dựng một số công nghệ phù hợp nào đó. Trước khi tìm ra giải pháp này, một câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta không đồng thời mở rộng các loại hình xử lý rác thải tương tự kiểu dự án 3R. Thực tế, ở Việt Nam đã có rất nhiều dự án ODA được thực hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng đây là lần đầu tiên có dự án kiểu như vậy.

 

Mãi đến tận năm 2006 (11/2006-2009), với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, TP. Hà Nội đã thực hiện Dự án "Thực hiện sáng kiến 3R ở TP. Hà Nội” để phát triển xã hội bền vững (gọi tắt là Dự án 3R-HN). Cho đến thời điểm này, dự án thí điểm 3R đã kết thúc nhưng cho đến tận ngày hôm nay, có rất nhiều dư âm và bàn tán về sự thành công nhất định cũng như những hạn chế không thể tránh khỏi.

 

Đặc biệt là sau khi dự án kết thúc tính bền vững của dự án cần phải đánh giá lại và cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố, từ chính những người dân tham gia. Dù thế nào đi nữa nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất chúng ta phải nhận ra được thông điệp của dự án là chúng ta cần phải kiên trì. Ý thức không thể hình thành trong ngày một, ngày hai. Dự án 3R không dễ thực thi do thành phố có nhiều thành phần xã hội, có đông lao động di cư. Mục đích chính của dự án là giúp người dân nhìn nhận rác vẫn có thể quay về phục vụ đời sống nếu biết tận dụng.

 

Hôm nay, vô tình tôi vào trang web có thấy có bài viết về có tiêu đề “Phân loại rác từ nguồn - Vẫn cứ loay hoay mãi” có nội dung về hậu dự án 3R. Theo đánh giá của các cán bộ tham gia dự án “Hiệu quả phân loại rác đạt gần như tuyệt đối 100% vào thời điểm thực hiện dự án nhưng đến nay, việc phân loại rác tại nguồn chỉ còn là... dĩ vãng”.

 

Có lẽ đây là điều làm day dứt không ít cho lãnh đạo và toàn thể những ai đã tâm huyết vào một dự án góp phần bảo vệ môi trường này, kể cả phía Việt Nam và phía Nhật Bản. Chúng ta phải làm gì để dự án đã từng có quy mô như vậy có thể bền vững? Đến bao giờ chúng ta có thể nâng cao ý thức người dân để có thể thực hiện thành công mô hình 3R?

 

TS. Đặng Vũ Tùng

Giảng viên ĐHBK Hà Nội

3R là từ viết tắt của 3 chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce- Reuse-Recycle

  1. Reduce (Giảm thiểu): Giảm thiểu lượng rác thông qua việc thay đổi lối sống hoặc/và cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất , mua bán sạch…Ví dụ: Sử dụng làn hay túi vải để đi chợ thay cho túi nlon để nhằm giảm lượng rác thải phát sinh từ túi nilon…
  2. Reuse (Tái sử dụng): Sử dụng lại các sản phẩm hay một phần của sản phẩm cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác. Ví dụ: sử dụng lại chai đựng nước khoáng để đựng nước nước…
  3. Recycle (Tái chế): Sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất có ích khác.