Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Anh Nguyễn Văn Nghị với sản phẩm của cơ sở mình sản xuất.
Bỏ phố về làng
Cơ sở kinh doanh của anh Nghị sản xuất được 5-6 tấn củi trấu mỗi ngày, tạo nhiều việc làm cho thanh niên. Quan trọng hơn sản phẩm ấy còn góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm do các nhà máy may xát gây ra.
Nguyễn Văn Nghị (sinh năm 1983) một thanh niên gốc rạ chính cống .Năm 2007, Nghị tốt nghiệp cử nhân Địa lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Anh quyết định đi làm thuê, xuống tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để học hỏi cách làm củi từ trấu. Năm 2009 anh về làng lập nghiệp, thay vì trụ ở phố như bao bạn đồng tuổi.
Nghị bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở sản xuất trên mặt bằng nhà kho 300m2 của HTX Nông nghiệp Hòa Thành Tây (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa). Không có vốn lớn để mua hệ thống dây chuyền sản xuất mới (300 triệu đồng) anh vận động gia đình gom góp số tiền 45 triệu đồng mua một máy cũ và cùng hai bạn thân ở làng bắt tay khởi nghiệp, sản xuất củi từ trấu.
Lúc đầu , không chỉ khó khăn về vốn, thiết bị máy móc mà Nghị còn đối mặt với những khó khăn về khí hậu miền Trung ẩm ướt hơn miền Tây Nam Bộ nên máy ép củi trấu không vận hành như mong muốn. Sản phẩm ra lò thử nghiệm đầu tiên “ trấu vẫn hoàn trấu”. Nhiều ngày đêm liền Nghị cùng các công nhân mày mò, nghiên cứu để cải tiến máy vận hành cho phù hợp hơn với thời tiết ẩm ướt ở địa phương.
Có ích cho đời
Sản phẩm củi trấu được nén từ máy
Sau hơn 5 tháng xây dựng nhà xưởng và vận hành thử, cơ sở của Nghị cho ra lò những thanh củi trấu đầu tiên. Bà con chỉ quen dùng củi than và khí đốt nên không ai mua thứ này. Tôi và anh em phải đi chào hàng. Cuối cùng chi phí than củi trấu rẻ hơn năm lần so với chất đốt khác thuyết phục tất cả. Ưu điểm nữa là không có khói như củi thường.
Ông Mai Tấn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, cho biết: “Củi trấu của cơ sở anh Nguyễn Văn Nghị là sản phẩm vừa giảm chất thải vừa đảm bảo tỉ lệ ô nhiễm khi đốt. Tàn tro của củi trấu sau khi đốt có thể tận dụng sử dụng trong việc cải tạo đất”.
Một đại diện của Tập đoàn KHATACO (Khánh Hòa) sau khi tiếp cận vối sản phẩm của anh Nghị đã nhận xét: “ Tôi nhận thấy củi trấu cháy triệt để, khi đốt sinh nhiệt tốt, khoảng 3400 Kcal/kg. Trong trấu thành phần chất xơ chiếm 75%, dễ bén lửa, khi cháy không có khói và mùi tỏa ra rất dễ chịu. Không những vậy, khả năng duy trì sự cháy của củi trấu lâu hơn so với các nhiên liệu đốt khác như than đá, củi, và các loại chất đốt khác. Có thể sử dụng củi trấu cho nhiều dạng lò đốt truyền thống và công nghiệp, củi trấu có giá khoảng 1.200 đồng/kg. So sánh với các chất đốt khác củi trấu tiết kiệm được gần một nửa”.
Đến nay, cơ sở của anh Nghị mỗi ngày sản xuất hơn 5-6 tấn củi trấu, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Với giá bán 1.200.000đ/tấn/ngày, trừ chi phí, chủ nhân Nguyễn Văn Nghị thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Mô hình sản xuất kinh doanh của Nghị, với bốn máy ép củi trấu, còn giải quyết việc làm cho 10 lao động là thanh niên địa phương (bộ đội xuất ngũ) với mức lương 1.8 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hơn thế nguồn nguyên liệu trấu tồn đọng năm xưa giờ nhường chỗ cho môi trường thêm xanh-sạch.
Trấu được đưa vào hệ thống máy ép nén thông qua điện trở (cơ điện sang nhiệt điện) ở 3000C. Trấu tiết ra chất lignin (một chất có sẵn trong thực vật) giúp vật gắn kết với nhau và sản phẩm cuối cùng là các thanh củi. Hướng tới cơ sở của Nghị sẽ làm thêm vỏ đệm bằng tre, vừa tăng khả năng thẩm mỹ cho cây củi vừa giúp dễ cháy, tăng khả năng ra nhiệt.