Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Virus cúm A/H5N1 đã biến đổi nguy hiểm?

(09:19:11 AM 07/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Mới đây, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra cảnh báo về sự biến đổi của dòng virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam và Trung Quốc. Dòng virus biến đổi là H5N1 - 2.3.2 có khả năng đề kháng với vaccine cúm hiện tại. Liệu sự đề kháng này có ảnh hưởng và tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở nước ta?

 

PGS - TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay:
 


- Ngày 29.8, FAO cảnh báo sự tăng trở lại của dịch cúm A/H5N1 ở các đàn chim và gia cầm do có sự biến đổi, lây truyền và lưu hành phổ biến của virus cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2 ở nhiều nước Châu Á. Các tỉnh phía bắc nước ta đang lưu hành chủ yếu týp virus cúm A/H5N1 này ở các đàn gia cầm. Sự biến đổi nhỏ này của virus cúm gia cầm không có gì bất thường và đáng ngạc nhiên, trong quá trình tiến hóa trong tự nhiên của virus. Đây chỉ là biến đổi nhỏ, chưa thể tạo ra một chủng mới.

 

 Vịt - tác nhân gây cúm gia cầm.     Ảnh: X.H
Vịt - tác nhân gây cúm gia cầm. Ảnh: X.H

 

Về phía WHO, ngày 30.8 vừa qua cũng khẳng định rằng dựa trên các thông tin hiện có, sự biến đổi này của virus không làm tăng các nguy cơ đối với con người. Bức tranh về cúm gia cầm ở người vẫn không thay đổi. Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tản phát và lẻ tẻ ở người, chủ yếu ở khu vực có sự lưu hành của virus ở gia cầm, qua tiếp xúc với gia cầm hay môi trường bị nhiễm virus và chưa có sự lây truyền từ người sang người.



Các nhà khoa học Nhật Bản cũng thông báo chủng virus cúm A/H5N1 mới phát hiện này đã biến đổi ở một con lợn bị nhiễm bệnh. Ở VN, ngành chăn nuôi lợn cũng khá lớn. Vậy việc thay đổi vật thể trung gian truyền bệnh cúm A/H5N1 này có đòi hỏi có giám sát đặc biệt nào trên loài vật nuôi này không?



- Vì lợn có cảm thụ cao với cả virus cúm chim và virus cúm của các loài động vật có vú, bao gồm các chủng virus ở người. Nó có thể đóng vai trò như là vật chứa để trộn lẫn các vật liệu di truyền của các virus cúm chim và cúm người tạo nên chủng cúm mới. Những thông tin về mức độ nhiễm virus cúm ở người, gia cầm và động vật; sự lưu hành các chủng virus cúm là rất cần thiết để đánh giá nguy cơ về y tế công cộng và đề xuất các biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển vaccine. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang hợp tác với Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh (CDC) Mỹ đang nghiên cứu và giám sát sự tiến hoá, tương tác giữa các virus cúm lưu hành ở lợn, gà, vịt, và ở người nhằm nhằm phát hiện các biến đổi chúng.
 


Liệu dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát mạnh vào mùa thu, đông năm nay?



- Khó khăn lớn nhất hiện nay là virus cúm A/H5N1 hiện đang lưu hành ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn vịt dưới dạng lành mang virus mà không có biểu hiện bệnh. Do đó người dân không thể biết được là gia cầm đã bị bệnh để đề phòng. Sau một thời gian dài không có ca bệnh ở người dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, cho là dịch đã được thanh toán hoàn toàn, mà không thực hiện thường xuyên các biện pháp dự phòng vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, gần đây virus đã biến đổi sang phân nhóm 2.3.2, do đó vaccine không có tác dụng nữa.
 


Ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm ở người thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Để phòng tránh bệnh dịch này, cần ưu tiên ngăn chặn ngay lập tức sự lan truyền dịch ở gia cầm bao gồm thực hiện an toàn sinh học trong phương pháp chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn, tiêu huỷ và tiêm vaccine cho gia cầm..., nhằm giảm nguy cơ con người tiếp xúc với virus.



- Xin cảm ơn ông!

 

Từ năm 2011 cho đến thời điểm này không xảy ra dịch ở người. Trong các năm từ 2007-2010, mỗi năm có từ 5-7 ca bệnh ở người, ca mới nhất là tháng 4.2010. Tổng số bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 đến nay là 119 và tổng số tử vong là 59 người. Các ca bệnh xảy ra lẻ tẻ và tản phát ở các tỉnh, đa số là có tiếp xúc hay ăn thịt hay sản phẩm gia cầm bệnh, tập trung chủ yếu vào mùa đông - xuân, chưa có bằng chứng lây từ người sang người.

   

Theo Quang Duy /Lao Động