Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác thải cả vào khu vực cấm- Ảnh minh họa
Dọc các trục đường QL 2, khu chân đồi núi, khu ven các đô thị, sông, hồ, kênh, mương... là nơi người dân, doanh nghiệp tìm đến đổ rác thải nhiều nhất. Điều này làm cho nhiều khu vực mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường sinh thái trầm trọng.
Sau 12 năm hoạt động, đến đầu năm 2009 bãi rác ở chân núi Bông thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô 5 ha, trong đó có 3 ha được quy hoạch làm nơi chứa và xử lý rác sinh hoạt bị đóng cửa do người dân phản đối bãi rác quá tải gây ô nhiễm. Mặt khác bãi rác này cũng hết thời hạn sử dụng, tất cả diện tích bãi rác đã được lấp đầy, mặc dù bộ phận quản lý ở đây đã cho máy vào ủi, máy xúc san gạt, đầm nén, nhưng vẫn không thể kéo dài thời gian sử dụng, tiếp nhận chất thải của bãi rác núi Bông.
Từ khi bãi rác núi Bông ngừng hoạt động, việc tìm kiếm nơi quy hoạch, xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất khó khăn. Ngành chức năng của tỉnh đi đến địa phương nào trên địa bàn cũng nhận được những băn khoan, lo ngại từ các cấp chính quyền cơ sở; thêm vào đó người dân phần lớn không đồng tình ủng hộ. Để có nơi đổ rác tạm thời, các Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị của tỉnh đã được tỉnh chọn một số nơi xa dân cư để tập kết rác, làm bãi rác tại thời. Thành phố Vĩnh Yên lấy một phần diện tích tại Nam Khu Công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) để đổ rác; thị xã Phúc Yên lấy một khu đồi núi tại xã Ngọc Thanh làm nơi đổ chất thải.
Ông Nguyễn Văn Thực, giám đốc Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Vĩnh Yên cho biết: Hiện tại, riêng thành phố Vĩnh Yên bình quân mỗi ngày có 200 m3 rác thải sinh hoạt...nhưng chưa có bãi đổ theo đúng tiêu chuẩn quy định, khiến nhiều người dân lo ngại. Bãi rác núi Bông ngừng hoạt động, rác thải của thành phố Vĩnh Yên được tập kết về phía Nam của Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên). Tại đây, rác được đổ gọn vào một khu và bên dưới có lót bạt để tránh nước thải thẩm thấu xuống lòng đất, rác cũng được phun thuốc khử mùi và tiêu diệt côn trùng, phía trên cùng của rác được phủ đất kín. Phía Nam Khu công nghiệp Khai Quang không phải là nơi quy hoạch để đổ rác thải và đây chỉ là địa điểm thực hiện xử lý tình huống tạm thời. Khi nào tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch được bãi rác mới thì Công ty sẽ di chuyển toàn bộ số rác tập kết này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm trôi qua việc quy hoạch và xây dựng bãi rác mới vẫn chưa được xác định cụ thể và khi nào thì xong, trong khi đó, chỉ thời gian ngắn nữa thì khu tập kết rác thải này hết khả năng chứa.
Thị xã Phúc Yên cũng trong cảnh tương tự, mỗi ngày lượng rác thu gom ở thị xã này trên dưới 200 m3. Bãi rác trong Ngọc Thanh được quy hoạch tức thì, ngay sau khi bãi rác núi Bông đóng cửa. Ngày mới quy hoạch và những buổi ban đầu cho xe ô tô đến đổ rác thải đã gặp sự phản đối của người dân lân cận. Họ cho rằng xây dựng bãi rác thiếu quy trình, gần khu dân cư và người dân chưa được hỏi ý kiến...Cuối cùng ngành chức năng phối hợp với Công ty môi trường và dịch vụ đô thị đã thỏa thuận với người dân, cam kết coi bãi rác ở Ngọc Thanh chỉ là nơi đổ rác tạm thời. Đến nay, bãi rác đi vào hoạt động đã 2 năm và gần đây thị xã có kế hoạch chấm dứt tình trạng đổ rác ở bãi này.
Trước tình trạng các bãi rác vừa nhỏ, vừa mang tính tạm thời không còn khả năng tiếp nhận rác đều đặn như trước, hiện nay, một số Công ty môi trường, đơn vị thu gom rác thải, chất thải phải đi đổ nhờ các tỉnh, thành lân cận, nhưng tiền công vận chuyển rác, phí xử lý cao cấp vài lần so với đổ tại Vĩnh Phúc. Dư luận cho rằng, cách làm này không ổn vì chi phí quá tốn kém, lại bị coi là nhờ vả, không đúng quy định của Nhà nước về thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt...
Tại các vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, việc thu gom và xử lý rác thải cũng có nhiều bất cập, mặc dù Vĩnh Phúc đã cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện việc thu gom rác. Trên địa bàn tỉnh hiện có 89 xã, thị trấn có đội thu gom rác; 82 xã, thị trấn có hố chôn lấp rác thải tạm thời, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Tuy nhiên các đội thu gom này mới chỉ hoạt động theo quy mô cấp thôn, chưa đảm nhiệm được việc thu gom cho toàn xã. Tỷ lệ rác được thu gom ở những địa bàn có tổ chức thu gom trung bình mới đạt khoảng 40-50%, tần suất thu gom khoảng 4-8 lần/ tháng. Toàn bộ lượng rác thải được thu gom này chưa có biện pháp xử lý đảm bảo hợp vệ sinh, hầu hết được chôn lấp và đốt cháy tự nhiên. Vì vậy rác thải ở khu vực nông thôn vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trong các cuộc họp HĐND tỉnh, các đợt tiếp xúc cử tri...các đại biểu và người dân liên tiếp đề cập đến công tác thu gom chất thải, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường thì đều được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành chức năng hứa hẹn sẽ quy hoạch, xây dựng các công trình này. Vĩnh Phúc đã có kế hoạch xây dựng nhà máy đốt rác- phát điện. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 33 triệu USD, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày do Công ty cổ phần nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường An Thịnh làm chủ đầu tư theo hình thức BO. Tỷ lệ chất thải sau xử lý chỉ còn 0,3%, đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải, môi trường xung quanh... Nhà máy có quy mô 5 ha, dự kiến đặt tại KCN Bình Xuyên. Chỉ khi nào Dự án này triển khai, đi vào hoạt động mới yên lòng người dân.