Theo thư tịch cổ, thành Biên Hòa (tọa lạc tại P.Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai) được xây đắp bằng đất có từ thế kỷ 14-15 với tên gọi "Thành Cựu". Thành dài 338 trượng (1 trượng = 10 thước = 4,7 mét - theo chuẩn đo lường cũ của nước ta - NV), cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Bên ngoài thành, hào được đào rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và 1 kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa có cầu đá bắc ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây lại bằng đá ong và đổi tên thành Biên Hòa.
Theo Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai, thành Biên Hòa là ngôi thành cổ duy nhất còn sót lại trên đất Nam Bộ. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ sau này.
|
Xuống cấp nghiêm trọng
Diện tích khuôn viên của thành cổ Biên Hòa rộng 10.816,5m2, bên trong thành còn lại 2 ngôi biệt thự, 2 lô cốt; nhưng đang trong tình trạng bị hỏng trầm trọng. Các bức tường hầu như đã nứt và bong tróc, nhiều chỗ ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ ăn xuyên qua tường làm nứt nhiều nơi. Sàn gạch bị bong, hệ thống mái cũng mục nát, tường có nhiều đoạn bị sập đổ, cổng thành đã mất... Theo thẩm định của cơ quan chức năng, mức độ tổn thất của tường thành là 70%, còn nội thất trang thiết bị của nhà cổ phía tây đã hỏng hoàn toàn, thang và cửa hỏng 90%.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai, cho biết hiện đang lập hồ sơ để xem xét công nhận di tích cấp quốc gia. "Thế nhưng từ ngày được công nhận di tích cấp tỉnh (2008) đến nay, ngôi thành chưa một lần nào được đầu tư, trùng tu", ông Dũng nói.
Theo ghi nhận của PV, toàn bộ dãy tường thành xung quanh đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm, xây cất, gác gỗ, sắt đè lên di tích để làm nhà ở và nơi kinh doanh, khiến các dãy tường già nua đã yếu lại càng mau chóng xuống cấp hơn. Ban quản lý di tích - danh thắng nhiều lần đề nghị giải tỏa, trả lại không gian cho di tích, nhưng nhiều năm nay, cơ quan chức năng TP Biên Hòa vẫn chưa thấy xử lý.
Chờ vốn để trùng tu
Ông Lê Trí Dũng cũng cho biết kế hoạch trùng tu được triển khai từ năm 2009. Các cơ quan chuyên môn đã thu thập, phân tích thông tin từ các nguồn tư liệu lịch sử, khảo cổ, nhân vật lịch sử... để tu bổ toàn diện, đồng thời giữ gìn các thành tố gốc, đảm bảo tính chính xác, độ bền vững, tính mỹ quan của công trình. Theo phương án trùng tu, sẽ nâng cấp nhà cổ, hệ thống tường thành, lô cốt và hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư khoảng 26 tỉ đồng. "Tuy nhiên, từ đó đến nay, thấy thành cổ xuống cấp, chúng tôi sốt ruột, kiến nghị cấp trên cấp vốn nhưng chờ hoài không thấy", ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, nếu không khẩn cấp trùng tu và giải tỏa tình trạng lấn chiếm tường thành thì việc di tích bị hư hại là khó tránh khỏi.
Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng Nai, cho biết do chưa có vốn trùng tu, trước mắt đã chỉ đạo Ban quản lý di tích thực hiện chống dột và chống sập; đồng thời tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến di tích thành cổ Biên Hòa, một di tích quý tồn tại hàng trăm năm, phục vụ nhân dân tham quan.