Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cây xanh ở khu Saigon Pearl, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được tưới bằng nước thải đã qua xử lý - Ảnh: B.T. |
PGS.TS Nguyễn Phước Dân - trưởng khoa môi trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết:
- Nước thải sau xử lý đạt loại B theo tiêu chuẩn Việt Nam là đạt chất lượng để tưới cây, tuy nhiên khâu xử lý vi sinh gây bệnh cần phải tương đối triệt để. Nếu nước thải đạt loại A thì ngoài tưới cây còn có thể tái sử dụng cho các mục đích khác như rửa toilet, vệ sinh nhà xưởng, rửa xe...
* Ngoài việc đo tiêu chuẩn nồng độ đầu ra thì làm sao người dân có thể nhận biết nước thải tái sử dụng có đạt yêu cầu sử dụng cho mục đích khác hay không?
- Đó cũng là một vấn đề. Thực tế, Việt Nam hiện còn thiếu quy chuẩn về chất lượng nước tái sử dụng cho từng đối tượng sử dụng khác nhau. Chẳng hạn như nước tái sử dụng cho tưới cây vùng đông dân khác với vùng ngoại ô, nước tái sử dụng cho nông nghiệp khác với tái sử dụng cho công nghiệp, cho dịch vụ và dân dụng... Tưới cây cho đô thị đòi hỏi nước không có vi sinh gây bệnh, trong và không mùi...
* Nếu đơn thuần là xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và đem đi sử dụng lại thì tại sao việc tái sử dụng nước ở Việt Nam chưa được phổ biến?
- Có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, giá nước tại Việt Nam còn khá rẻ so với các nước tiên tiến và các nước trong vùng, dẫn đến việc sử dụng nước lãng phí. Ở một số nước có nguồn nước ngọt hạn chế như các nước Trung Đông, Nhật và một số bang của Mỹ, chi phí xử lý nước cao đồng thời chi phí khai thác tài nguyên nước cũng rất cao, nên họ tái sử dụng gần như 100% nước thải.
Lý do thứ hai là tại Việt Nam việc sử dụng nguồn nước ngầm không có kiểm soát, không tốn phí nên nhiều xí nghiệp công nghiệp cũng như dân dụng ra sức khai thác nguồn nước ngầm, nên họ quen sử dụng nước sạch cho các hoạt động mà không quan tâm đến việc tận dụng nguồn nước.
* Ông có ý kiến thế nào về việc tái sử dụng nguồn nước?
- Tôi nghĩ Nhà nước cần khuyến khích việc này. Tuy nhiên, để chủ đầu tư thấy được lợi ích của dự án, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ. Nhà nước cũng phải có chính sách kiểm soát việc sử dụng nguồn nước ngọt dùng cho dân dụng và công nghiệp, quản lý khai thác tài nguyên nước ngọt nói chung và nước ngầm nói riêng. Chi phí cao thì người ta mới thấy được lợi ích của việc tái sử dụng nguồn nước.
Đến năm 2015, nếu TP.HCM có chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh thì lượng nước tiết kiệm được có thể lên đến 1,5 triệu m3/ngày. Cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển những quy chuẩn về chất lượng nước tái sử dụng để người dân được rõ và yên tâm hơn khi sử dụng.
Từ đầu tháng 4-2011, Công ty Vietnam Land SSG (SSG), chủ đầu tư dự án khu dân cư Saigon Pearl, P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đã quyết định sử dụng một phần trong tổng số 600m3 nước thải/ngày đã qua xử lý và khử trùng (đạt loại A) để tưới cây xanh qua hệ thống phun tưới tự động.
Với việc tận dụng nguồn nước này, mỗi tháng ban quản lý tòa nhà đã tiết giảm khoảng 3.000m3 nước sạch, tương đương hơn 40 triệu đồng/tháng cho cư dân Saigon Pearl.
Theo kết quả xét nghiệm định kỳ của Viện Nghiên cứu công nghệ môi trường và bảo hộ lao động, chất lượng nước thải sau xử lý mà ban quản lý tòa nhà dùng tưới cây luôn đạt loại A, có chất lượng cao hơn chất lượng nước sông Sài Gòn ở cùng thời điểm. |
Theo BÍCH TRÂN/ Tuổi Trẻ