Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rác thải Việt Nam – Tiềm năng bỏ ngỏ

(12:21:00 PM 05/09/2011)
(Tin Môi Trường) - Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cộng với sự lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, rác thải có số lượng ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khoẻ con người.

Theo thống kê, là một nước đang phát triển, tốc độ tăng các rác thải sinh hoạt ở cả thành thị và nông thôn, rác thải công nghiệp, y tế ở nước ta còn nhanh hơn các nước khác, từ năm 2003 đến 2008 tăng gấp 2 lần. (Ảnh minh họa)

 

Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật, Mỹ, Anh đầu tư hàng triệu USD tái chế rác thải. Các quốc gia đó đẩy mạnh và thành công lưỡng việc: chống ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và tận thu lợi ích kinh tế qua tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, xem rác là tài nguyên, nghiêm cấm việc chôn rác, họ thu gom rác thải đem tái chế một cách dễ dàng, thuận lợi, hình thành trong dân chúng một lối sống văn minh, hữu ích khi xử lý rác thải. Một số nước đã tái sử dụng phế thải bê tông làm cốt liệu sản xuất cấu kiện bê tông để làm đường, rãnh, cống thoát nước, gạch lát vỉa hè. Trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong top những quốc gia đang lãng phí nguồn năng lượng này.

 

Tình hình trong thời gian gần đây đã trở nên bức xúc, đặc biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo thống kê tại Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt tăng trung bình 15%/năm, vởi tổng lượng ước tính 5.000 tấn/ngày đêm, và dự đoán chỉ năm 2012 có thể không còn chỗ để đổ rác. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần 235 tỷ đồng để xử lý. Thời gian gần đây, tình hình xả rác bừa bãi cũng như những bất cập trong khâu xử lý chôn lấp rác thải trở thành vấn nạn ở nước ta, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

 

Thực tế cho biết hầu hết rác thải sinh hoạt chỉ được chôn lấp tại các bãi với hình thức thô sơ mang nhiều nhược điểm (tốn diện tích đất, mùi hôi thối ảnh hưởng đến khu dân cư, có thể trở thành nguồn phát sinh dịch bệnh). Hậu quả đã tác động nghiêm trọng tới môi trường và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh. Theo các chuyên gia môi trường, nguồn rác thải này qua thời gian thấm xuống đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Số lượng rác được xử lý chiếm một tỷ lệ rất thấp với quy mô nhỏ bé. Theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, nguồn rác thải Việt Nam chưa được tận dụng đúng mức. Bên cạnh mục đích bảo vệ mội trường thì việc xử lý rác thải còn hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế, xã hội rất lớn.

 

Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong trong lĩnh vực này và bắt đầu thu lợi từ việc tận dụng rác vào mục đích tái chế giấy, thép, sắt..., sản xuất phân vi sinh, tận dụng nhiệt đốt rác để chưng thu nước cất... Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động này chưa đủ mạnh và lớn để đem lại nguồn kinh tế dồi dào như mong đợi. Theo TS Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM cho biết “Ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM được tổ chức từ năm 2008, qua ba năm thực hiện đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, khá ngạc nhiên là sự kiện này lại chưa được những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tạo ra lượng chất thải nguy hại hưởng ứng tích cực”.

 

Ông Chris Rose – Quốc tịch Mỹ nhận xét về rác thải tại Việt Nam: “Tôi thấy ở Việt Nam chưa tồn tại ngành công nghiệp tái chế đúng nghĩa. Có chăng chỉ là hoạt động của vài người nghèo đi nhặt mua ve chai để bán cho các cơ sở nhỏ lẻ làm nguyên liệu tái chế mà thôi. Ngành tái chế ở Việt Nam đang gặp vòng luẩn quẩn thế này: người dân ít sử dụng sản phẩm tái chế và dòng sản phẩm này không nhiều do thiếu nguyên liệu đủ điều kiện để tái chế. Các bạn chỉ đơn giản vất một túi rác gồm nhiều thứ lẫn lộn ra trước cửa, một chiếc xe tải lớn sẽ đến gom đống rác đó vào chung với các mớ rác bẩn khác nên không thể dùng để tái chế được nữa. Ở Mỹ - đất nước tôi, tái chế là một ngành công nghiệp rất lớn. Các văn phòng của Mỹ đều có ít nhất hai thùng rác riêng biệt để phân loại rác. Trong đó có thùng đựng giấy thải vì chúng tôi ý thức được sản xuất giấy tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Giấy thải sau khi được phân loại sẽ được chuyển đến các công ty giấy để tái chế. Thậm chí chúng tôi có những dòng sản phẩm giấy cao cấp hoàn toàn là giấy tái chế”.

TS. Đặng Vũ Tùng (Giảng viên ĐHBK Hà Nội )