Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thực thi DOC - Hé mở hy vọng mới

(11:58:07 AM 05/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sự kiện mới đây thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, khu vực và thế giới là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) diễn ra trong nửa cuối tháng 7 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

Thực thi DOC - Hé mở hy vọng mới (Ảnh minh họa)

 

Trong tình trạng  Biển Đông đang diễn biến phức tạp thì Hội nghị đã hé mở niềm hy vọng mới về giữ gìn hòa bình và ổn định ở đây. Đó là các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

 

9 năm kiên trì  

 

Trong 9 năm qua kể từ khi DOC được ký kết, ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo để thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng Trung Quốc đều bác bỏ. Văn bản hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN trao cho Trung Quốc trong dịp Hội nghị lần này là bản dự thảo thứ 21 mà ASEAN soạn ra.

 

DOC là tên viết tắt tiếng Anh của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông, được ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnôm Pênh, Cam-pu-chia giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Mục đích của văn bản này là nhằm thúc đẩy một môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông và tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này một cách hòa bình và lâu dài. Điều khoản cuối cùng nêu rõ: ‘‘Các bên khẳng định việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý sẽ cùng nhau làm việc để đạt mục tiêu này’’.

         

Nhưng việc DOC không được tuân thủ một cách triệt để trong thời gian qua đã khiến tình hình ở Biển Đông gia tăng căng thẳng. Theo các nhà nghiên cứu và học giả thì nguyên do là  DOC chỉ là một văn kiện nửa chính trị nửa pháp lý và không có tính ràng buộc, hiệu lực thì tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên. Phạm vi áp dụng lại không được quy định rõ mà chỉ được hiểu là tập trung vào các khu vực tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa. DOC không phải là một văn kiện để giải quyết tranh chấp mà chỉ tạo điều kiện, cơ hội cho các bên tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp; trước mắt là tạo ra môi trường hợp tác, thân thiện thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác làm tiền đề cho một giải pháp lâu dài hơn. Chính vì vậy nó có những quy định lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các nước áp dụng để lên án các hành động đơn phương của bên kia, đồng thời biện minh cho hành động của mình.  Khi một bên tranh chấp có hành vi củng cố hoặc mở rộng phạm vi chiếm đóng, thì rất dễ kéo theo sự chạy đua của các bên tranh chấp khác. Trong thực tiễn, các bên tranh chấp quần đảo Trường Sa có quan điểm khác nhau hoặc không rõ ràng về phạm vi quần đảo và quy chế pháp lý của các vùng biển lân cận.

        

      

Tuy nhiên, DOC vẫn có giá trị riêng của nó khi các bên liên quan thực sự có thiện chí và tôn trọng cam kết. Biển Đông đã tương đối ổn định trong nửa thập kỷ qua. Song từ năm 2007-2008, khi Bắc Kinh sửa đổi chính sách đối với vấn đề biển Đông, tình hình đã căng thẳng trở lại.

 

Sẽ còn những bước đi dài

 

Thật ra, ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho khu vực đã được đưa ra trong Tuyên bố ASEAN năm 1992 và thảo luận sâu hơn trong hàng loạt buổi làm việc được In-đô-nê-xi-a tổ chức nhằm giải quyết các xung đột tiềm ẩn trên biển Đông từ năm 1991. Ý tưởng này chính thức nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 29 tại Gia-các-ta, cũng trong khoảng thời gian này của năm 1996. Ngay từ khi đó đã nhen nhóm hy vọng là văn bản này có thể tạo nền tảng cho hợp tác lâu dài trong khu vực, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước liên quan để xây dựng một môi trường khu vực an ninh, ổn định.

        

Nhưng sau gần 5 năm thương lượng, ASEAN và Trung Quốc chỉ đạt được một thỏa thuận đó là Tuyên bố DOC song có thể coi đó là một bước hướng tới một COC mang tính ràng buộc hơn, xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Còn nay, tại Hội nghị lần này, mọi việc trở nên rõ ràng với một không khí cởi mở hơn.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, việc này sẽ giúp hạ nhiệt các căng thẳng ngoại giao gần đây. Còn Trợ lý của ông là Lưu Chấn Dân thì khẳng định:” Đây sẽ là một văn bản có tính mốc son quan trọng đối với sự hợp tác và tương lai tốt đẹp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.  Trung Quốc và ASEAN sẽ thực thi đầy đủ và toàn diện DOC và sẽ khởi động các hoạt động thực thi thông qua các dự án hợp tác. Chúng tôi nhìn thấy một tương lai rộng mở và sáng lạn với các nước ASEAN. Chúng tôi muốn trở thành bạn tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt của các nước ASEAN".

 

Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh (nay là Bộ trưởng) , với vai trò đồng điều phối các cuộc tham vấn thực thi DOC, cho rằng: "Đây là một khởi đầu tốt, có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục cùng nhau đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự ổn định, lòng tin trong khu vực".

 

Ngày 23-7, Phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) có sự tham dự của ngoại trưởng 10 quốc gia ASEAN và 18 nước đối tác, đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn khẳng định: "Chúng tôi kêu gọi các bên làm minh bạch tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông theo công pháp quốc tế phổ quát, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển" và "Mỹ khuyến khích các bên tăng cường mọi nỗ lực để đạt được một bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông có giá trị đầy đủ".

 

Có thể nói  việc thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC thể hiện cam kết chung vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hợp tác xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Mục tiêu của ASEAN là, mong muốn sớm đạt được COC - công cụ tốt hơn, đảm bảo hiệu quả hơn và giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhưng chắc chắn phải trải qua một quá trình. Hướng tới đạt được COC, nhưng DOC cũng rất quan trọng nên phải duy trì và thực hiện đầy đủ. Dư luận thế giới cũng có cùng mong muốn đó, bởi vì như nhận định của Tổng thư ký ASEAN Su-rin Pít-su-oan: Biển Đông là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng là mối quan tâm của cộng đồng toàn cầu.

                                                                                   

 

Nguyễn Việt Ân

Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh