Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngôi chùa không Phật ở Phan Thiết

(10:00:20 AM 04/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Chùa Ông ở Phan Thiết hiện được xem là biểu tượng sống động của nền văn hóa Trung Hoa trên vùng đất Phan Thiết. Đặc biệt, ngôi chùa này không có tượng Phật

 
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, chùa Ông thời bấy giờ được gọi đúng tên là “Đền Quan Công”. “Ông” ở đây tức là ông Quan Công - một nhân vật lịch sử sống trong thời Tam Quốc cuối đời nhà Hán.
 
 
Ông người gốc Hà Đông, sinh năm 162, mất năm 219. Nếu ai từng đọc qua truyện Tam Quốc Chí đều biết về nhân  vật nổi tiếng này. Quan Công chính là người anh em kết nghĩa hội vườn đào với Trương Phi và Lưu Bị. Theo tập tục, người Hán (Hoa) thờ Quan Công vì ông tượng trưng cho danh dự, lòng chung thủy, sự hy sinh, độ lượng và đức chính trực công minh.
 
 
“Người Trung Quốc tin rằng một người có đủ đức tính tốt đẹp, nhân nghĩa như ông sau khi mất đã được hiển thánh, ngồi ở vị trí cao sang. Do vậy, sự tôn kính ông thể hiện qua việc xây dựng ngôi miếu” - ông Tô Đạt Bữu, Trưởng ban quản lý Quan Đế Miếu, giải thích. 
 
 
Căn cứ trên văn tự chữ Hán còn lưu lại, người ta xác định đền Quan Công được xây dựng vào năm 1778, sau khi một bộ phận người Hoa vì tưởng nhớ nhà Minh, lánh nhà Thanh, đến Phan Thiết lập nghiệp. Ban đầu chỉ là ngôi chòi lá. Dần dần, khi đời sống của cộng đồng có sự phát triển, với sự góp công góp sức của cả cộng đồng, ngôi miếu được xây dựng kiên cố, hoành tráng như ngày nay.
 
 
Đền được xây dựng theo lối kiến trúc phong kiến. Từ kết cấu, kiến trúc đến cách trang trí nghệ thuật và nghệ thuật phối màu đều đậm chất Trung Hoa. Ngoài gian thờ chính là Quan Công, còn có gian thờ bà Thiên Hậu, bà Thánh Mẫu Chúa Sanh cùng nhiều vị thánh trong thần thoại dân gian Trung Quốc.
 
 
 
 
Quan Đế Miếu. (ảnh: Nhật Bảo)
 
 

Từ trên nhìn xuống, dễ dàng nhận thấy các dãy nhà của ngôi đền nối tiếp nhau tạo nên hình chữ Kim (Hán tự). Hệ thống cột, vĩ kèo chạm khắc rất công phu, đường nét sắc xảo.
 
 
Tất cả những cột trụ chính đều có treo câu đối chạm khắc và sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ông Bữu cho biết nhiều bức hoành trong đền có niên đại từ thế kỷ XVIII được người Hoa mang từ Trung Quốc sang. Cho đến bây giờ vẫn còn giữ nguyên giá trị.
 
 
Giữa đền có bức tượng Quan Công to lớn. Tượng làm bằng gỗ quý đặt trang trọng trong nơi chính điện. Hai bên là tượng của Châu Xương và Quan Bình.
 
 
Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ chiếc chuông cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Chuông được đúc tại tỉnh Quảng Đông vào thời nhà Thanh. Kiểu đúc và vật liệu giống đại hồng chung của người Việt, nhưng trang trí trên thân chuông phức tạp và phong phú hơn nhiều.
 
  
Theo ông Tô Đạt Bữu ban đầu người Hoa làm nghề nông. Một bộ phận làm biển và buôn bán nhỏ. Sau hầu hết đều làm nghề buôn.
 
 
Do dân số ngày một tăng, cùng với lượng người nhập cư từ Trung Quốc ngày càng đông, cộng đồng người Hoa ở Phố Hài chuyển dần về các phường Đức Thắng, Đức Nghĩa. Họ có dịp quây quần xung quanh ngôi đền và xem đây là điểm tựa thiêng liêng của cả cộng đồng.
 
 
Cùng với sự có mặt của ngôi đền, càng lúc nhu cầu tổ chức lễ hội được phát triển phục vụ cho nhu cầu tâm linh. Lễ hội nghinh Ông là tâm điểm của các nghi lễ diễn ra ở ngôi thờ tự này. Khác với nhiều địa phương có người Hoa sinh sống, ở Phan Thiết, lễ hội nghinh Ông được tổ chức hoành tráng và đáo lệ hai năm một lần. Nét khác lạ của lễ hội nghinh Ông là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho thánh, thần, tiền hiền, tổ tiên… trong 2 ngày đầu đều mang đậm chất Phật giáo.
 
Cho đến hôm nay chùa Ông được xem là biểu tượng sống động của nền văn hóa Trung Hoa  trên vùng đất Phan Thiết. Trải qua hơn hai thế kỷ, văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa Phan Thiết đã hòa lẫn với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Sự hòa lẫn này làm cho đời sống văn hóa nơi xứ biển này ngày càng trở nên đa dạng. Giữa các dòng văn hóa đã có sự tiếp nhận qua lại, để rồi tạo nên một nền văn hóa mang nét đặc trưng riêng của xứ biển Phan Thiết có lịch sử 300 năm.
 
 
 
Theo NGUYỄN VUI (Bình Thuận Online)