Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thảo Trinh (ở số 27F đường Sông Lu, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi – TPHCM) bảo tôi ngồi chờ. Cô thoăn thoắt xỏ dây cước vào những viên pha lê đủ màu sắc rồi cột chặt dây cước vào sợi kẽm để tạo dáng cho hoa. Chẳng mấy chốc, những viên pha lê kết dính vào nhau để tạo thành đài, nhụy, cánh hoa. Đưa cho tôi bông sen, Thảo Trinh khoe: “Mỗi ngày, em có thể làm khoảng 10 bông. Nhờ nghề này, em có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, không phải xin tiền ba mẹ như trước đây”.
Từ tấm lòng của một người con
Vốn có kinh nghiệm làm túi xách từ pha lê, chị nghĩ làm hoa chắc cũng đơn giản. Không ngờ, loài hoa sen chị chọn lại rất khó làm vì những cánh hoa cong cong, rất mảnh mai; khi kết lại từ những hạt pha lê chúng không thể tạo nên những đường cong mềm mại như ý. Nhiều lần thực hiện, ráp hoa vào chị không thể bẻ cánh hoa xuống hoặc uốn cong lên. Chị kể: “Nghĩ mãi tôi mới phát hiện, muốn cánh hoa cong thì kỹ thuật kết hoa là quan trọng nhất. Nhưng phải mất một năm mày mò, tôi mới làm được chậu hoa sen đầu tiên”.
Đưa đèn hoa ra thị trường
Chậu hoa sen đầu tiên vốn chưa được đẹp lắm nhưng được chị đặt trang trọng trên bàn thờ cha. Rồi lại cũng từ những lần thắp nhang cho cha, chị thấy muốn hoa sen đẹp trong bóng đêm, có lẽ nên đưa những chiếc đèn vào hoa để tạo hiệu ứng ánh sáng. Lần này, chị đem suy nghĩ của mình chia sẻ cùng chồng và được anh ủng hộ. Hai vợ chồng miệt mài thực hiện ý tưởng. Anh Nguyễn Công Hiền, chồng chị, kể: “Lúc đầu, chúng tôi định đưa đèn treo quanh hoa nhưng vợ tôi cho rằng làm như thế không đẹp. Cuối cùng chúng tôi xác định cần đưa đèn ẩn vào trong khung trước khi kết hợp các hạt pha lê lại với nhau”.
Khi những chiếc đèn hoa sen bằng pha lê đầu tiên thành công, chị mang đến tặng chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn - TPHCM). Không ngờ, tại đây, nhiều phật tử thấy đèn hoa đã đổ xô đến xem và trầm trồ khen ngợi. Điều đó khiến chị tin rằng sản phẩm đèn hoa sen sẽ có mặt trên thị trường. Chị tâm sự: “Vậy là tôi quyết định sẽ phát triển công việc thành một nghề vừa có thể tạo ra thu nhập vừa tôn vinh loài hoa sen mà tôi rất yêu thích”.
Đa dạng sản phẩm
Gần 5 năm làm nghề, từ loài hoa sen ban đầu, đến nay, chị đã có nhiều sản phẩm khác nhau như: hoa hồng, hoa mai, hoa đào, hồng tú cầu và các loại hoa để bàn khác. Đặc biệt, mới đây, từ những hạt pha lê, chị đã ứng dụng thành công sản phẩm trên những dòng tranh pha lê với các hình Đức Phật. Sản phẩm của chị được nhiều người biết đến không chỉ vì chúng đẹp, bền mà còn đáp ứng nhu cầu trang trí cho các chùa, miếu, gia đình. Du khách từ các nước Pháp, Nhật, Mỹ... cũng thường xuyên đặt mua hàng. Chị Hiền cho biết: “Sắp tới, ngoài những sản phẩm từ hoa, tôi sẽ làm tranh thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Loại tranh này du khách có thể dễ dàng cuộn lại để mang đi khắp nơi mà không cồng kềnh, khó chuyên chở”.
Hiện cơ sở của chị giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là những bà con nghèo trong xóm. Em Bùi Ngọc Giàu, 17 tuổi, ở số 63 Sông Lu, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, cho biết: “Nhờ có chị Hiền dạy nghề mà em đã có được việc làm. Hiện thu nhập của em gần 2 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, em có thể tự lo cho mình và phụ giúp phần nào cho gia đình”.
Theo chị Nguyễn Thị Bé Hiền, hoa pha lê muốn đẹp, khi kết, các cánh hoa phải đều đặn, bám chặt vào nhau. Để hoa thêm rực rỡ, kỹ thuật kết hợp đèn cũng không kém phần quan trọng. Màu của đèn phải phù hợp với màu của hoa, nếu không sẽ “chỏi”, không đẹp.