Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Doanh nghiệp ngành xi măng - Ảnh minh họa internet
Trấn an của bộ trưởng Bộ Tài chính, trong trường hợp xấu nhất sẽ bán tài sản của doanh nghiệp để trả nợ chứ Chính phủ không thể trả nợ thay. Tuy vậy, không thể bỏ qua sự thật rằng tiền dùng để trả nợ cũng là tiền thuế của dân.
Chính phủ khi bảo lãnh nợ nước ngoài cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc cổ phần có vốn nhà nước đã đặt ra nguyên tắc “tự vay, tự trả”. Nguyên tắc, nghe hợp lý nhưng lại không ổn. Bởi “tự vay, tự trả” chỉ đúng trong trường hợp người vay và người trả là một chủ thể.
Với trường hợp Chính phủ bảo lãnh nợ cho DNNN cũng là nguyên tắc “tự vay, tự trả” nhưng ở đây có đến hai chủ thể. Vế thứ nhất, “tự vay” là một nhóm người, cụ thể là lãnh đạo doanh nghiệp. Họ không có bất kỳ tài sản thế chấp nào. Còn “tự trả” thì chắc chắn 100% là tiền thuế từ “cổ đông nhân dân”. Điều này là vô lý, vì vậy ngay từ đầu tự nó đã xuất hiện các kịch bản ẩn chứa đầy rủi ro.
Đó là lãnh đạo DNNN sử dụng tiền vay theo kiểu này dễ tham gia các phi vụ kinh doanh với phần thua luôn thuộc về người nộp thuế. Giả sử, một dự án tuy an toàn nhưng nếu có mức sinh lời thấp thì nhóm người này có khả năng từ bỏ chúng để chạy sang các dự án đầy rủi ro khác.
Với những dự án mạo hiểm, lẽ ra không nên đầu tư, như đầu tư trái ngành vào ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, nhưng nếu đạt mức sinh lời cao cho dù xác suất thành công chỉ là 1% thì họ vẫn đầu tư. Ở trường hợp này, nếu thắng, lãnh đạo DNNN vừa được lợi vừa có thành tích để thăng tiến. Nếu thua lỗ thì người nộp thuế lãnh đủ. Vì vậy, từ nguyên tắc “tự vay, tự trả”, ở một số trường hợp đã trở thành “tự vay, người khác trả”.
Những kịch bản dịch chuyển rủi ro này quá đơn giản, ai cũng thấy. Đúng ra, nó chỉ tồn tại ở các doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần với sự đấu trí giữa chủ nợ và cổ đông, chứ không nên được thiết kế ngay trong chính sách quản lý nợ công, với sự đấu trí giữa một nhóm người cụ thể và với người nộp thuế thiếu thông tin.
Khi được hỏi, các cơ quan chức năng luôn tự tin khẳng định con số nợ nước ngoài và nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn. Nhưng quan điểm này có thể bị lung lay trong trường hợp liên tục diễn ra các kịch bản chuyển dịch rủi ro theo hướng “tự vay, người khác trả”.
Vì nhu cầu phát triển, trong những trường hợp thật đặc biệt, đối với những dự án cực kỳ mật thiết, Chính phủ vẫn có thể bảo lãnh cho các DNNN. Nhưng với điều kiện những dự án đó phải được đặt dưới sự giám sát của một ủy ban đặc biệt có quyền lực trực thuộc Quốc hội giống như ở các nước.
Cũng cần có định hướng trong việc xác định đối tượng được bảo lãnh. Bởi lẽ, các DNNN đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ, trong khi các doanh nghiệp dân doanh lại khó tiếp cận vốn, đất đai... Nếu cứ châm bẩm bảo lãnh cho các DNNN hoặc doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chiếm đa số chỉ tạo thêm bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Điều này gây ra thiệt hại chẳng kém gì như khi chấp nhận tồn tại cơ chế “tự vay, người khác trả”.
Theo GS.TS TRẦN NGỌC THƠ/ Tuổi Trẻ