Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Toàn cảnh thôn Vĩnh Trường (Ảnh: Nguyễn Chí Dũng)
Nơi khởi đầu nền công nghiệp nguyên tử nước ta
Con đường nhỏ vắng tanh chẻ qua những vùng đất bán sơn địa hoang hóa rồi lại băng qua những đồi cát nhấp nhô. Chúng tôi lặng lẽ rồ ga lướt qua những rừng xương rồng đang gồng mình dưới cái nắng chan chan. Bỗng, biển mênh mông hiện ra phía xa xa.
Anh bạn dẫn đường chỉ tay: thẳng trước mặt là thôn Từ Thiện, mé bờ biển bên phải kia chính là thôn Vĩnh Trường. Vậy là sau khi vượt qua gần 40 km từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi đã đến được địa điểm “tiềm ẩn” nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta.
Thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) gần như được bao bọc bởi hàng trăm đìa nuôi tôm sú lớn nhỏ - một nguồn lợi kinh tế chính của dân địa phương. Giống như nhiều làng biển của vùng đất này, cả thôn có hơn trăm nóc nhà cấp bốn chen chúc nhau nép mình dưới những rặn dừa, cốc hành.
Đi từ đầu thôn đến cuối thôn, chúng tôi chỉ nghe mỗi tiếng máy nổ chạy giàn xục khí của các đìa tôm vang vọng. Con đường làng lưa thưa những đôi chân trần qua lại, vài ba nhóm thanh niên đang túm tụm uống cà phê hay lai rai bữa nhậu sớm trước hiên nhà. Ngoài bãi biển, vài chiếc thuyền công suất nhỏ cùng hàng chục cái thúng neo bờ ngơi nghỉ sau chuyến đi biển đêm qua.
“Vật chứng” duy nhất của dự án điện hạt nhân tại vùng đất này là 2 tấm bảng to đùng này (Ảnh: Nguyễn Chí Dũng)
Đang thong dong tìm chút gì lạ lẫm, chúng tôi bỗng bắt gặp hai cái bảng vẽ to đùng được dựng ngay trước trụ sở Nhà cộng đồng thôn Vĩnh Trường: “Mặt bằng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1” và “Quy hoạch chi tiết khu tái định cư của dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1”. Đó là “chứng cứ” duy nhất cho thấy nơi đây có thể trở thành một địa điểm đặc biệt – nơi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Nếu dự án được thực hiện thì vùng đất này sẽ là nơi khởi đầu cho nền công nghiệp nguyên tử của Việt Nam.
Sống yên bình ...bên biển
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất mà dự án nhà máy điện hạt nhân sẽ chiếm 502 ha, trong đó, diện tích trong hàng rào chiếm 123 ha bao bồm 90 ha khu vực nhà máy chính và 33 ha khu vực sân phân phối; còn lại là diện tích 379 ha vùng cách ly 1 km từ hàng rào. Diện tích trên biển chiếm 310 ha gồm 38 ha khu vực cảng và khu vực cách ly trên biển là 272 ha. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ 170 hộ của thôn với gần 700 người dân sẽ phải di dời để nhường chỗ cho dự án thế kỉ này.
Ngư dân đang trét lại dầu rái cho những cái thúng chuẩn bị những chuyến đi biển tiếp theo (Ảnh: Nguyễn Chí Dũng)
Đứng trước điều trọng đại ấy, vậy mà người dân nơi đây hình như vẫn khá bình thản. Ngư dân Đặng Văn Xược (51 tuổi) dừng tay bôi dầu rái lên cái thúng chai của gia đình bộc bạch: “cái làng này đã từng hai lần tản cư trong chiến tranh vì “tội” tiếp tế cho cách mạng, một lần thời chống Pháp, một lần nữa thời chống Mỹ, giờ có đi thêm lần nữa để nhường đất cho dự án thì cũng thường, miễn là nhà nước lo cho dân có nơi ăn chốn ở”.
Người dân làng chài lai rai vài ly sau đêm đi biển (Ảnh : Nguyễn Chí Dũng)
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cũng có cùng suy nghĩ ấy. Vừa hớp xong ly rượu, anh Lê Tòng Sơn (47 tuổi) tâm sự: “dân làng này sống nhờ biển, nhà nước đưa đi đâu thì đưa miễn là được ở gần biển”.
Được biết, Vĩnh Trường vốn được dân địa phương gọi là “Ở Vũng” hay “Ở Hộ”. Suốt hai thời kháng chiến chống ngoại xâm, dân làng thường xuyên tiếp tế cho cách mạng, nuôi dấu cán bộ. Từ sau giải phóng, người dân vừa bám biển vừa khai phá các động cát để trồng khoai mì, dưa hấu… nhưng do ăn nước trời nên hay bị mất mùa. Nay thì dân làng sống chủ yếu nhờ nguồn hải sản mà biển ban tặng.
Thúng chai vừa là phương tiện di chuyển đồng thời là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình nơi đây (Ảnh : Nguyễn Chí Dũng)
Chị em phụ nữ và trẻ con chờ thủy triều xuống ra rạn bắt cua, cào rau cau, mỗi người kiếm được vài chục ngàn đồng/ngày. Khi mặt trời sắp lặn, cánh đàn ông lại day thúng ra biển thả lưới ba màng, lưới dầm hay giàn câu mực lá đến khi bình minh mới trở về. Bữa được bữa không cũng đủ giúp họ đắp đổi qua ngày. Một số người đào ao nuôi tôm sú với hy vọng đổi đời nhưng không phải ai cũng gặp may.
Một người dân địa phương cho chúng tôi biết, từ ngày có thông tin dự án điện hạt nhân đến giờ, cuộc sống người dân ở đây cũng chẳng có gì thay đổi. Họ không quan tâm là có bao nhiêu cuộc hội thảo khoa học, hội nghị, triển lãm về điện hạt nhân. Và cũng không rõ nhà máy điện hạt nhân là cái gì ngoài việc nó là một nhà máy điện, không thể hiểu gì về loại lò nước áp lực PWR mà nhà máy điện có thể sẽ sử dụng,… Và càng không thể tưởng tượng được là con suối họ thường đến vui chơi hàng ngày đang trở thành mối lo cho bao nhiêu người … Dân vẫn sống thong thả từng ngày với biển trong sự tin tưởng vào quyết định của các cấp chức năng.
Cảnh đẹp địa phương !
Con suối Đầu Đá Xối (suối Mia) – vết đứt gãy đang làm các nhà khoa học lo lắng (Ảnh : Nguyễn Chí Dũng)
Nắng lên đứng bóng, chúng tôi chuẩn bị quay về vì đường khá xa thì bắt được một “thông tin vàng”. Con suối Mia, nơi được các nhà khoa học xác định là vết đứt gãy có thể ảnh hưởng tới dự án nhà máy điện hạt nhân được dân trong vùng gọi là suối Đầu Đá Xối. Anh Lê Tòng Thắng, một người dân địa phương liền hâm hở đưa chúng tôi đến đi xem “sự lo âu của các nhà khoa học”. Đó là một con suối nhỏ khá đẹp nằm cách trung tâm thôn Vĩnh Trường khoảng 1km về hướng nam. Con suối này bắt nguồn từ thôn Bàu Ngứ chảy đến đây thì đổ ra biển. Đây là một cảnh đẹp của địa phương thu hút khá nhiều khách đến dã ngoại vào những ngày lễ, tết.