Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo thống kê của Cục Nuôi trồng (Bộ NNPTNT) có trên 30.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân do hội chứng bệnh gan, tụy; còn tại sao phát sinh bệnh đến nay vẫn chưa xác định được.
Thả nuôi lấp vụ lại thiệt hại
Đó là tình cảnh của trên 5.000 hộ nuôi tôm tại huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - nơi có tỉ lệ tôm nuôi bị thiệt hại lớn nhất ĐBSCL (trên 60%). Lai Hòa là xã thiệt hại nặng nhất (trên 80%). Ông Nguyễn Hoàng Đông ở xã này lắc đầu nhớ lại: “Năm nay mắc chứng gì con tôm chết lúc hơn tháng tuổi. Tôi cải tạo tiếp để kịp thời vụ, không ngờ tôm nuôi hơn tháng lại chết tiếp. Chẳng lẽ để đất bỏ không, tôi tiếp tục thả. Vậy là đi tong trên 200 triệu tiền vay bạc hỏi”. Do ngay từ đầu vụ tôm nuôi đã thiệt hại nên không ai bảo ai người nào cũng cải tạo lại thả tiếp.
Hậu quả của sự vội vã này là Sóc Trăng phải đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho người dân trên 3.600 tỉ đồng. Ông Phạm Hoàng Linh ở phường 5 (TP.Bạc Liêu) năm nay đầu tư nuôi tôm với hi vọng sẽ thắng lớn. Nhưng khi mới thả 40 ngày, tôm lao đầu vào bờ chết hàng loạt. Với kinh nghiệm 5 năm nuôi tôm công nghiệp, anh ngưng 15 ngày để vệ sinh 5 ao, sau đó thả tiếp với khoản đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Lần này, con tôm lại chết khi vừa 35 ngày tuổi.
Ông Phạm Hoàng Giang - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu - phân tích: “Ngay từ đầu vụ tôm nuôi đã chết. Người dân lo trễ vụ nên nôn nóng tiếp tục thả nuôi trong khi mầm bệnh vẫn còn lưu trong nước, đất. Vì vậy, thả nuôi đợt hai tiếp tục thiệt hại”.
Ông Sáu Ngoãn trúng đậm mùa tôm 2011 do áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm sạch, mật độ thưa. |
Môi trường sạch, bao giờ?
Trong bối cảnh đó, ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu) vẫn thu hoạch 33 tấn tôm với kích cỡ 22-25 con/kg. Nhiều người cho rằng năm nay ông Sáu Ngoãn trúng tôm hơn trúng số. Còn ông phân tích: “Con tôm cũng giống như con người cần phải ở sạch. Môi trường nuôi tôm rất quan trọng. Ngoài ra phải thả đúng lịch thời vụ, thả với mật độ thưa. Để nông dân nuôi tôm thành công cần phải xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm sạch, bền vững...”.
Khắc phục tình trạng tôm chết nói thì dễ, nhưng thực tế gần như không thể khắc phục được. Ông Phạm Hoàng Giang - Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu - cho biết: “Sau khi tôm nuôi bị thiệt hại, chúng tôi hướng dẫn bà con cách xử lý; đồng thời khuyến cáo không nên thả nuôi tiếp. Tuy nhiên hầu hết người dân vẫn thả nuôi và tiếp tục thiệt hại”. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - đưa ra con số hiện có hơn 5.000ha tôm nuôi tại tỉnh này bị thiệt hại không thể thả nuôi lại vì trễ vụ.
Môi trường sạch cho con tôm sú đã được nói đến từ rất lâu, nhưng đến nay chưa địa phương nào xây dựng xong. Hậu quả của sự chậm chạp này đã làm cho môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, mà hậu quả người nông dân phải gánh chịu.
Theo Nhật Hồ/ Lao Động