Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa Internet
Tuy nhiên trong thực tế khi nói đến thức ăn nhanh, là người ta đang nhắc đến các loại fastfood theo kiểu Âu Mỹ, với hàng loạt các nhãn hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Hiện nay, những cửa hàng bán thức ăn nhanh kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn như Thành Phố Hồ Chí Minh, và trở nên ngày càng quen thuộc với cả người lớn và trẻ em, nhất là những gia đình có điều kiện sống tương đối khá giả.
Với quy trình chế biến thức ăn và cung cách phục vụ hiệu quả đã được ứng dụng thành công và liên tục cải tiến trong suốt gần một thế kỷ qua, fastfood luôn có những khách hàng trung thành của mình nhờ vào lợi thế cung cấp thức ăn sử dụng ngay lập tức, không cần đợi chờ, chế biến lâu lắc, tiết kiệm được thời gian và thuận lợi cho những người đang sống trong một xã hội công nghiệp hiện đại mà từng phút trôi qua đều được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng thời đảm bảo về mặt cảm quan, khẩu vị... Không ít trẻ con, và cả người lớn trên thế giới này ... nghiện fastfood. Thế nhưng, trước khi thưởng thức món ăn khoái khẩu của mình, những khách hàng của fastfood có lẽ nên xem mình có thuộc nhóm được ăn fastfood hay không, và nếu được ăn, thì được ăn bao nhiêu.
Những người đầu tiên nên nói “không” với fastfood là những người cao tuổi đang mắc các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và lối sống như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hoá lipit, tăng cholesterol máu, thừa cân, béo phì.... Khối năng lượng khổng lồ, lượng chất béo quá cao và hầu như không có chất xơ trong các loại thức ăn nhanh kiểu Âu Mỹ hoàn toàn không phù hợp với chế độ ăn của những căn bệnh này, vốn phải có lượng năng lượng vừa phải, ít chất béo, ít chất ngọt, nhiều chất xơ và rau xanh, quả tươi. Mặt khác, vào cửa hàng bán thức ăn nhanh thì không thể ăn ... chậm được, mà những người bệnh này thì cần ăn chậm, nhai kỹ, dừng lại trước khi có cảm giác quá no để kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào của mình.
Trẻ em cũng là những đối tượng cần chú ý khi ăn thức ăn nhanh. Lứa tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi đang hình thành những thói quen, những tính cách trong ăn uống. Việc ăn quá nhiều thức ăn nhanh có thể làm gia tăng ý thích đối với những thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, không đủ chất xơ và hình thành nếp ăn uống không có lợi cho sức khoẻ. Những trẻ bị thừa cân, béo phì vốn rất khó khăn trong việc kiểm soát thực phẩm ăn vào hàng ngày sẽ càng khó kiểm soát mình hơn khi vào cửa hàng bán thức ăn nhanh vốn toàn những món khoái khẩu. Với những trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, có thể ăn các thức ăn nhanh tuy nhiên cũng cần lưu ý đến lượng đạm rất cao trong những món ăn này có thể không tốt cho gan thận của trẻ về lâu dài. Mỗi tuần ăn 1-2 bữa fastfood thì có thể chấp nhận được, nhiều hơn thì không nên.
Người bình thường ở độ tuổi trung niên cũng tránh ăn nhiều fastfood, chỉ nên ăn khoảng một lần mỗi tuần, vì đây là giai đoạn cơ thể gia tăng tích luỹ mỡ, hoạt động thể lực giảm xuống và các bệnh lý liên quan đến tuổi tác bắt đầu xuất hiện. Những người có chơi các bộ môn thể thao hoạt động mạnh và thừơng xuyên thì cũng có thể ăn nhiều thức ăn nhanh hơn, tuy nhiên tránh ăn vào bữa chiều tối và không nên ăn vào các ngày mà chế độ ăn trong ngày đã dồi dào về dinh dưỡng như đi ăn đám tiệc, giỗ chạp...
Đối với thanh niên trong độ tuổi đang hoạt động thể lực nhiều và không có tình trạng thừa cân béo phì, có thể ăn fastfood thường xuyên hơn, 3-4 lần mỗi tuần tuy nhiên vẫn nên chú ý ăn thêm các loại rau, trái cây tươi để làm tăng tính cân đối của khẩu phần và phòng chống bệnh tật.
Nhìn chung, thức ăn nhanh cũng chỉ là những loại thức ăn vô tội như đa số các loại thức ăn khác trên đời, chỉ có người tiêu dùng mới là người quyết định cách sử dụng fastfood sao cho đó là những món ăn ngon lành thỉnh thoảng làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta, chứ không phải là mối nguy cơ về mặt sức khoẻ khiến chúng ta vừa ăn vừa... run.
ThS. BS. Đào Thị Yến Phi
Chủ Nhiệm BM Dinh Dưỡng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM