Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm giàu từ nuôi nhím

(21:49:57 PM 31/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trong những năm gần đây, ở tỉnh Đắk Lắk chăn nuôi nhím đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ gia đình. So với chăn nuôi các loài động vật hoang dã khác thì nghề nuôi nhím khá dễ, ít dịch bệnh và chi phí thức ăn, chuồng trại ít tốn kém. Nhím có thể nuôi để bán giống hoặc bán thịt thương phẩm, loại sản phẩm nào cũng có giá khá cao và đầu ra ổn định.

Nhím nuôi (Ảnh minh họa)

 

Năm 2007, chàng thanh niên nghèo Nguyễn Tấn Danh Nhân ở xã vùng 3 Chư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào nuôi nhím. Khởi điểm với chỉ với 3 cặp nhím giống, sau 4 năm, số lượng nhím trong trang trại của anh đã lên tới hàng trăm con. Từ đầu năm ngoái đến nay, anh đã xuất ra thị trường 70 cặp nhím con, và 10 cặp nhím bố mẹ, mang lại khoản lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Mạnh dạn đầu tư vào nuôi nhím đã giúp anh thoát nghèo.

 

Nguyễn Tấn Danh Nhân hồ hởi cho biết : “Trước khi nuôi nhím, tôi đã từng nuôi cá trê lai và nuôi lợn nhưng hiệu quả kinh tế không bao nhiêu. Về sau nghe trên báo đài về con nhím tôi ham lắm. Tôi mầy mò tìm hiểu liền và quyết định mua giống về nuôi thử không ngờ thành công thế này.”



Nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao mà lại đơn giản; vừa tốn ít diện tích vừa không mất nhiều công chăm sóc nên ngày càng có nhiều người ở cả nông thôn, thành phố; cả nông dân, cán bộ công nhân viên nhà nước cũng đầu tư vào nuôi nhím. Anh Hoàng Văn Êm ở khối 8, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột hiện là công an nhưng vẫn tận dụng thời gian rảnh để nuôi nhím giống tại nhà. Anh bắt đầu từ năm 2001, với 3 con nhím con do một người bạn tặng. Lúc đầu, anh nghĩ nuôi chơi cho vui, nhưng sau một thời gian thấy nhím rất nhanh lớn và sức hút của thị trường về nhím thương phẩm và nhím giống, anh đã bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư chuồng trại ở khoảng đất sau nhà để chăn nuôi nhím.

 

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Để tìm hiểu rõ hơn đặc tính của giống vật nuôi mới này, anh đã giành thời gian đọc sách báo về kỹ thuật nuôi nhím; đi tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nuôi và chăm sóc nhím từ các trang trại, hộ gia đình trong và ngoài tỉnh. Từ những con giống ban đầu, đến nay cơ sở nuôi nhím giống Thanh Liễu của anh đã có gần 200 con, với 80 ô chuồng trại, trong đó có 110 con nhím bố mẹ, 70 con nhím cái có khả năng sinh sản. Từ chỗ nuôi chơi, giờ đây đàn nhím là một tài sản lớn, mỗi năm mang lại nguồn thu vài trăm triệu đồng.

 

Năm 2010, gia đình anh đã xuất bán hơn 100 cặp nhím giống, với giá thị trường 10 triệu đồng/cặp, sau khi trừ các khoản chi phí anh chị thu lãi khoảng 800 triệu đồng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.



Anh Hoàng Văn Êm chia sẻ: “ Nhím là loài động vật rất dễ nuôi, thức ăn phong phú, không cần nhiều thời gian, kỹ thuật, công chăm sóc, thích hợp với việc chăn nuôi hộ gia đình; trở ngại lớn nhất là việc đầu tư vốn ban đầu, vì nguồn con giống có giá thành khá cao, nhưng đây lại là mô hình nhanh thu hồi vốn, ít rủi ro và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình”.
 

 

Hiện nay, trên thị trường giá cả giống nhím bố mẹ dao động từ 30-35 triệu đồng/ cặp, nuôi từ 1 đến 1 năm rưỡi là nhím có thể sinh sản được. Theo anh Êm nhím giống con khoảng 3 đến 4 tháng tuổi có thể xuất bán, nhím mẹ mỗi năm sinh sản khoảng 2 lần và mỗi lần có thể sinh từ 1 đến 3 con. Nhím là động vật dễ nuôi, nhưng khi đầu tư xây dựng chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ, thức ăn cho nhím cũng dễ mua, dễ kiếm trên thị trường, chủ yếu là các loại rau, củ, quả. Một ngày có thể cho nhím ăn 3 lần, nhưng do nhím là loài động vật ăn đêm nên bữa ăn tối là bữa ăn chính. Nhím cũng không nên nuôi quá béo, vì béo quá nhím khó sinh sản được, một chuồng có thể nuôi 2 nhím cái, 1 nhím đực sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”.

 


Thành công từ các mô hình nuôi nhím có thể mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở Đắk Lắk, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động.

 



Anh Dũng/TTXVN