Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai thác khoáng sản ở Lâm Đồng - Ảnh minh họa
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi vì sao nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng… trái phép đã được nói đến nhiều, thậm chí là rất nhiều trong các kỳ họp Hội đồng cũng như các kỳ họp quan trọng khác của tỉnh; đồng thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng… cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu triển khai quyết liệt, thế nhưng những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tiếp diễn phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thừa nhận tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng vẫn phức tạp, mặc dù tỉnh Lâm Đồng rất quyết liệt, kể cả việc vừa rồi đã kỷ luật hơn 10 cán bộ các cấp. Nhiều nguyên nhân được nêu ra như: diện tích rừng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng, do giá cà phê tăng cao, giá đất đai tăng lên làm tăng việc phá rừng chiếm đất, vấn đề cấp phép và quản lý các cơ sở tiêu thụ gỗ chưa chặt chẽ, nên gỗ lậu vẫn còn đất sống, nhiều doanh nghiệp nhận đất rừng làm dự án đầu tư nhưng lại không quản lý được… Những nguyên nhân này không phải là “nguyên nhân mới” mà là nguyên nhân ai cũng biết từ lâu.
Và đáng quan tâm hơn nữa ở đây là tại sao chuyện vi phạm quá rõ, kéo dài… mà các chủ rừng, ban, ngành chức năng, chính quyền cơ sở lại thiếu quyết liệt ? Phải chăng việc “có một số cán bộ cơ sở, kiểm lâm có dấu hiệu bao che, tiếp tay… cho các hành vi vi phạm” – như lời thừa nhận của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - chính là “nút thắt” trước thực trạng này?
Cùng cách đặt vấn đề như thế, đại biểu Hà Phước Toản - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu cần làm rõ “có gì ở đằng sau” việc các địa phương, ban, ngành chức năng để nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ và kéo dài nhiều năm qua ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh? Tại sao khi chuẩn bị đi kiểm tra thì các đối tượng khai thác trái phép lại “thường biết trước”, nên khi đoàn kiểm tra đến hiện trường thì chẳng còn ai?
Ông Toản dẫn chứng việc ông tham gia một Đoàn kiểm tra đột xuất một bãi khai thác thiếc trái phép ở huyện Lạc Dương, thì thấy có hàng trăm người với nhiều phương tiện cơ giới lớn, hiện đại khai thác ngang nhiên, làm tan nát cả những cánh rừng, trong khi bãi khai thác này cách tỉnh lộ 723 - đường nhựa lớn, đẹp nối Đà Lạt với Nha Trang, chỉ vài trăm mét và cách một trạm quản lý bảo vệ rừng chỉ khoảng 1 km. Nhiều điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là: vàng, thiếc và vonfram đã được các đại biểu chỉ đích danh.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang ngồi bàn chủ tọa, cũng đặt câu hỏi về vấn đề khai thác khoáng sản. Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng cũng nêu nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên và hứa sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng, địa phương sớm giải quyết.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn, ông Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa VIII nói: các đại biểu chất vấn đúng với những điều cử tri quan tâm và các cơ quan chức năng cũng đã trả lời chất vấn nhìn chung đúng trọng tâm. Tuy nhiên, việc thẳng thắn nhận trách nhiệm trong trả lời chất vấn của một số sở, ngành chưa rõ và các giải pháp để khắc phục những yếu kém cũng cần phải bàn thêm.
Phan Văn Đông/TTXVN