Sau khi phát hiện bệnh nhiều người dân đã đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh nhưng đến nay nguyên nhân của căn bệnh này chưa có kết luận của các cơ quan chức năng.
Địa điểm chúng tôi đến hỏi thăm về những gia đình có người bị sưng tay, sưng chân là cửa hàng tạp hóa ngay trục đường chính của xã Nghi Lâm huyện Nghi Lộc.
Nhiều người dân đang có mặt tại đó cho chúng tôi xem hiện tượng tay, chân của họ đang bị sưng, ngứa nhiều ngày qua.
Bàn chân của Trần Văn Cường đã chữa trị hơn một tháng nay chưa khỏi
Chỉ tay vào bàn chân đang bị sưng của mình, Trần Văn Cường (SN 1992, ở xóm 5 xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc), cho biết: Cách đây hơn một tháng, lúc hai hai mẹ con vào rừng gom lá thông, ngay hôm sau, hai mẹ con em có hiện tượng ngứa đỏ và bàn chân ngày càng sưng to ở gót bàn chân và ngón cái.
Lúc đầu hai mẹ con chỉ lên hiệu thuốc gần nhà lấy thuốc chống dị ứng để uống nhưng một thời gian không khỏi phải nhập viện và được Bệnh viện Đa Khoa Nghi Lộc chẩn đoán là viêm khớp, chi phí điều trị mỗi ngày 70.000đ (đã trừ tiền bảo hiểm y tế).
Chị Đậu Thị Phương (mẹ Cường) cùng đưa bàn chân chỉ vết thương còn chưa khỏi hẳn, cho biết thêm: “Mặc dù đã mất nhiều thời gian, tiền bạc để chữa trị nhưng nay bệnh vẫn chưa khỏi. Gia đình tôi nhận khoán hơn 350 gốc thông trong rừng nên phải vào thu hoạch nhựa thông, nộp sản phẩm cho lâm trường. Nếu không đủ sản phẩm sẽ phải chịu phạt. Đợt trước cả nhà chân đau chưa kịp viết đơn xin lâm trường, không đủ sản lượng giao nộp, chúng tôi bị phạt hơn 200.000đ”.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Vĩ ở xóm 5 xã Nghi Lâm, một “nạn nhân” khác do đi vào rừng gom lá và cạo mủ thông về nhà bị sưng phù đôi bàn tay.
Hơn một tháng nay, anh Trần Văn Vỹ đã không còn đi khai thác nhựa thông nữa mà chỉ lo chạy chữa đôi bàn tay bị sưng bì. Mặc dù đã đi nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng bàn tay của anh vẫn không thuyên giảm.
Anh rất hoang mang, lo lắng bởi không biết nguyên nhân thực sự của căn bệnh và chưa biết phương pháp điều trị như thế nào cho có hiệu quả. Chưa khỏi bệnh nhưng là lao động chính trong gia đình, anh phải phun thuốc trừ sâu cho mấy sào lúa bằng đôi bàn tay còn sưng phù.
Trường hợp của chị Trần Thị Duyên ở xóm 5 xã Nghi Lâm cũng không nằm ngoại lệ. Ngón chân cái của chị bị sưng đỏ tấy sau khi vào rừng hơn một tháng nay chưa khỏi. Chị đã dùng nước muối để ngâm chân, dùng các loại lá thuốc để buộc vào vết thương rồi uống thuốc tây nhưng vẫn chưa khỏi được.
Đôi bàn chân còn đi cà nhắc nhưng chị đã phải lội ruộng, do viêm nhiễm từ bùn đất, phân bón nên ngón chân cái có phần đỡ thì nay lại sưng to hơn. “Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, giúp nhân dân yên tâm sản xuất”- Chị Duyên tâm sự.
Ngón chân cái chị Trần Thị Duyên bị sưng đỏ nhiều ngày qua
Nghi Lâm đang trong thời vụ trồng hành, người dân ở trong xã vào rừng gom lá thông về lót đất lên luống nên số lượng người vào rừng thông rất lớn.
Người vào trước bị trước, người vào rừng sau thì bị sau. Có nhiều người dân sau thời gian chữa trị, vết đau có giảm nhưng lại tiếp tục vào rừng, đi làm ruộng nên vết sưng không thể khỏi hẳn mà nguy cơ ngày càng trầm trọng.
Trong đó có 82 hộ nhận khoán chăm sóc, khai thác rừng thông ở địa bàn xã Nghi Lâm hiện có trên 100 người dân của 2 xóm 4 và 5 Xã Nghi Lâm cùng chung một hiện tượng này. Người nặng, người nhẹ nhưng đều có điểm chung là đều bị sưng bì ở tay, chân.
Hiện các trường hợp nhẹ thì được điều trị tại trạm y tế xã, còn nặng hơn thì được chuyển lên điều trị ở tuyến trên.
Bác sỹ Trần Văn Hạnh - Trưởng Phòng khám đa khoa Tây Nghi Lộc cho biết: " Gần nửa tháng nay, chúng tôi đã tiếp nhận một số bệnh nhân ở xóm 4 và xóm 5 xã Nghi Lâm nhập viện với biểu hiện dị ứng, sưng bì, tê buốt chân, tay. Các bện nhân đã chuyền dịch giải độc, chống dị ứng và cho uống kháng sinh thêm. Hiện chưa có kết luận cụ thể, nhưng bước đầu thấy các bện nhân đến điều trị bệnh có thuyên giảm ".
Nhiều người dân ở đây đều cho rằng, nguyên nhân của bệnh này là trong quá trình khai thác nhựa thông, phát dọn thực bì đã vô tình chạm lông sâu róm đã bị chết do phun thuốc trừ sâu trước đó 2 tháng.
Ông Trần Văn Trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật Đội lâm nghiệp Nghi Lâm, trực thuộc BQLRPH Nghi Lộc cho biết: “Hiện tượng ngứa là do lông độc của sâu róm thông, vì dân khi tiếp xúc không có các biện pháp bảo hộ lao động, bà con lao động tự phát. Cán bộ ngành lâm nghiệp có phun thuốc trừ sâu, mặc dù trước khi phun họ đã thông báo cho bà con về thời gian không được vào rừng nhưng bà con bất chấp cảnh báo vẫn vào cạo mủ và quét lá thông. Toàn bộ 16 cán bộ lâm nghiệp đóng ở đây không ai có hiện tượng ngứa hay sưng cảy khớp chân, khớp tay, trong khi anh em chúng tôi ngày nào cũng vào rừng thông làm việc. Hầu hết bà con vào đây không ai biết mang theo bảo hộ lao động và trực tiếp dùng tay hốt lá thông nên việc mắc bệnh là điều rất dễ xảy ra”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hiếu- Phó Chủ tịch xã Nghi Lâm- Nghi Lộc cho biết: “Ngày 23-8 vừa qua, cuộc họp giữa 82 hộ dân, chính quyền xã và Ban QLRPH huyện Nghi Lộc đã khuyến cáo người dân thời gian này không nên vào rừng, nếu vào rừng phải mang theo các dụng cụ bảo hộ lao động”.
Sự việc trên cho thấy người dân chủ quan với sức khỏe của mình khi vào rừng thông khai thác không mang các dụng cụ bảo hộ lao động.
Trước khi có câu trả lời cụ thể của các ngành chức năng thì mỗi người dân ở khu vực này cần phải biết tự bảo vệ mình, đó là không nên vào rừng khai thác nhựa và dọn lá thông lúc này, hoặc vào thì phải trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để bảo vệ sức khoẻ.