Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cán bộ, công nhân viên Tập đoàn L’Oreal VN trong buổi tham gia làm sạch bãi biển Cần Giờ vào một dịp cuối tuần - Ảnh: Mai Vinh |
“Nếu như người nước ngoài có cụm từ “mondayitis” để diễn tả sự lo lắng mỗi khi đầu tuần đến, thì khi tới làm việc ở VN, chúng tôi có nỗi sợ hoàn toàn ngược lại” - David T. (29 tuổi, người Mỹ, giám đốc Công ty N) thở dài cho biết.
Nỗi sợ ngày cuối tuần cũng là khẳng định của N.Tuấn (25 tuổi, phó phòng kinh doanh Tập đoàn P) khi nói về thói quen một thời của mình. Do đặc thù công việc, N.Tuấn luôn có lịch gặp gỡ đối tác, đồng nghiệp dày đặc. Rất ham đọc sách để cập nhật kiến thức chuyên môn, nhưng Tuấn cho biết cả năm nay anh không thể đào ra thời gian để đọc hết một quyển sách.
Anh không giấu được vẻ bức xúc khi đề cập tới việc mỗi tháng đều phải tốn cả ngàn USD cho “phí gặp gỡ” cuối tuần, dẫu toàn bộ khoản tiền này đều được cơ quan chi trả, bởi: “Toàn là những cuộc gặp vô thưởng vô phạt. Ai cũng biết gặp nhau chè chén càng nhiều thì càng sinh lắm bệnh, nhưng không thể không dự”.
T.Quân (27 tuổi, phó giám đốc một công ty truyền thông) cũng có nỗi khổ tâm mang tên “cuối tuần”: “Cuối tuần nào tôi cũng phải “chạy sô” đám cưới, tiệc tùng của nhân viên, đối tác, bạn bè... đến mức chóng mặt”. T.Quân thừa nhận bữa cơm gia đình giờ thành điều xa xỉ. “Tham dự hết thì không thể, còn tìm cách từ chối cũng đủ nhức cả đầu”, T.Quân than thở.
David T. khẳng định văn hóa nhậu nhẹt, ăn uống kết hợp với công việc vào cuối tuần chỉ phổ biến ở VN, bởi theo anh “người phương Tây hoặc một số quốc gia khác mà tôi biết thường dành thời gian cuối tuần cho gia đình hoặc đi dã ngoại. Còn các đối tác người Việt lại dễ giận dỗi nếu tôi tắt điện thoại hoặc thẳng thắn từ chối tham gia tiệc tùng cùng họ”. Anh từng bị căng thẳng thời gian đầu về quê hương làm việc bởi “cú sốc văn hóa” trên. “Ác mộng cuối tuần” không tha cả nữ giới.
Là giám đốc đối ngoại của một tập đoàn lớn, H.Thanh (27 tuổi) thường xuyên được sếp cắt cử đi cùng trong các buổi gặp mặt, ăn uống cuối tuần với đối tác. Chút thời gian rỗi rảnh còn lại, H.Thanh được gợi ý tham gia một hội của các nữ doanh nhân trẻ thành đạt trong thành phố. “Cứ cuối tuần là mọi người lại cùng đi spa, mua sắm hoặc cà phê để tranh thủ “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất. Tôi có lần thử “lơ” cái hội này thì ngay lập tức bị họ nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm”, H.Thanh cười như mếu.
Anh Thanh Tùng (27 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết trước đây anh cũng căng thẳng tột độ khi phải “chạy sô” mỏi giò mỗi cuối tuần. Vừa làm kiểm toán, vừa giảng dạy đại học kiêm dịch thuật, việc nhiều nên mối quan hệ xã hội của anh khá đa dạng. Tuy nhiên, gần đây thời khóa biểu cuối tuần của anh chỉ xoay quanh đúng ba việc: chơi thể thao, đi cà phê cùng bạn thân hoặc ở nhà phụ giúp gia đình. “Không có cách nào khác ngoài việc dứt khoát gạch bỏ những cuộc hẹn không cần thiết. Sẽ khó nhưng không phải là không làm được nếu quyết tâm”, anh khẳng định.
Đi làm từ thiện cùng công ty vào thời điểm cuối tuần cũng là một cách tốt giải “ác mộng” mà David T. nghiệm ra thời gian gần đây. “Việc cùng sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh vừa khiến chúng tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, đồng nghiệp lại có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Qua đó mọi người cũng nhận ra sự hoang phí, vô bổ của những buổi gặp cuối tuần chè chén và quyết tâm mạnh mẽ hơn để từ bỏ nó”, David T. phân tích.
Còn theo anh Huỳnh Văn Thiện Thanh (tổng giám đốc Công ty HNP, giảng viên kỹ năng giao tiếp doanh nghiệp - Trung tâm Hồn Việt): “Kỹ năng quản lý thời gian, ra quyết định và kỹ năng nói lời từ chối sao cho thuyết phục, tế nhị là điều rất cần thiết trong những trường hợp này. Các bạn trẻ cần phải tỉnh táo và đủ nhạy cảm, khéo léo về mặt tâm lý để giải quyết tốt mọi việc”.
Theo CÔNG NHẬT/TT