Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dấu hiệu về lỗ thủng tầng ôdôn xuất hiện ở Nam Cực

(15:49:47 PM 24/08/2011)
(Tin Môi Trường) - Ngày 23/8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các dấu hiệu về lỗ thủng tầng ôdôn (O3), lá chắn bảo vệ sự sống trên Trái Đất khỏi tác động nguy hại của tia cực tím trong ánh sáng Mặt Trời, đã xuất hiện trở lại ở Nam Cực.

 

Dấu hiệu về lỗ thủng tầng ôdôn  xuất hiện ở Nam Cực- Ảnh IE

 

Với nhiệt độ hiện tại và các đám mây trên tầng bình lưu khí quyển ở Nam Cực, WMO dự báo mức độ mất ôdôn ở Nam Cực năm nay rất có thể tương đương với mức trung bình trong thập kỷ vừa qua.


Lỗ thủng tầng ôdôn thường xuất hiện ở Nam Cực vào mùa Đông và mùa Xuân do thời kỳ này nhiệt độ cực kỳ thấp trên tầng bình lưu và xuất hiện tích tụ các hóa chất phá hủy ôdôn. Mặc dù nhân loại đã đạt được tiến bộ rất lớn trong việc giảm mạnh sản xuất và tiêu thụ các hóa chất gây hại tầng ôdôn nhưng do thời gian tồn tại của các hóa chất này trong khí quyển kéo dài vài thập kỷ nên phải mất nhiều thập kỷ nữa, mức độ tập trung của các hóa chất này trong khí quyển ở Nam Cực mới trở lại mức trước năm 1980.

 

WMO cho biết vào giữa tháng 8/2011, diện tích lỗ thủng tầng ôdôn ở Nam Cực cũng giống như những năm gần đây. Khi Mặt Trời trở lại Nam Cực sau đêm Nam Cực, tốc độ phá hủy tầng ôdôn sẽ nhanh hơn và mức độ mất ôdôn phụ thuộc vào các điều kiện khí tượng. Ôdôn bị phá hủy cũng còn do mùa Đông rất lạnh ở tầng bình lưu của khí quyển Nam Cực.


WMO và cộng đồng khoa học quốc tế sử dụng những dữ liệu thu thập từ các quan sát tầng ôdôn từ mặt đất, từ bóng thám không và vệ tinh cùng với các dữ liệu khí tượng để giám sát sự phát triển của lỗ thủng tầng ôdôn trong các tháng tới. WMO cảnh báo vẫn còn quá sớm để xác định mức độ mất ôdôn và diện tích lỗ thủng tầng ôdôn trong năm 2011.

PV