Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>TKV: Tiền không chi, đường cứ đi
Quốc lộ 51 sẽ được nâng cấp phục vụ vận chuyển bauxite. Ảnh: Như Phú
Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cho rằng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho con đường vận chuyển. Trách nhiệm đó là việc bỏ tiền đầu tư nâng cấp cầu, đường để bảo đảm cho hàng đoàn xe tải trọng lớn chở nguyên vật liệu của TKV nối nhau đi qua một cách an toàn, không làm xáo trộn nhiều tới cuộc sống người dân địa phương cũng như việc đi lại bình thường trên tuyến giao thông vận tải vốn có.
TKV lại cho rằng họ không có trách nhiệm đầu tư nâng cấp đường sá bởi việc vận chuyển đã thuê doanh nghiệp vận tải và đi lại, vận chuyển ra sao là chuyện mà doanh nghiệp phải lo. TKV còn cho rằng nếu cộng cả tiền nâng cấp đường vận chuyển thì dự án khai thác bauxite sẽ không hiệu quả kinh tế.
Không ai chịu ai nên cuối cùng việc được đẩy lên trình Thủ tướng.
Nhìn vào chuyện tranh cãi quanh con đường vận chuyển bauxite có thể thấy những điều không bình thường đến từ phía TKV. Là một tập đoàn lớn và có nhiều dự án khai thác khoáng sản lớn, TKV chắc thừa biết quy định của Chính phủ và Bộ GTVT là đơn vị nào sử dụng các phương tiện quá tải trọng cầu đường và thường xuyên khai thác các tuyến đường phải bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hư hỏng đường.
Nhưng sao TKV lại không đưa việc đầu tư nâng cấp tuyến đường vận chuyển vào dự án khai thác bauxite? Câu trả lời đã có khi trong văn bản gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ GTVT, TKV khẳng định: “Nếu đưa chi phí này vào dự án thì dự án bauxite không còn hiệu quả kinh tế”.
Vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã được đặt ra từ khi dự án này được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội. Nay TKV mới chính thức khẳng định rằng dự án không hiệu quả kinh tế nếu phải bảo đảm đường vận chuyển nguyên vật liệu theo như quy định.
Thừa nhận của TKV lúc “nước đến chân” đẩy dự án khai thác bauxite vào thế kẹt. Nếu buộc TKV phải bỏ tiền đầu tư nâng cấp đường vận chuyển thì dự án không hiệu quả. Song nếu Nhà nước bỏ tiền làm thì TKV hưởng phần “hiệu quả”, còn phần “không hiệu quả” đẩy cho ngân sách Nhà nước mà suy cho cùng là người dân chịu.
Vì thế, có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà dự án khai thác bauxite rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy” bởi đã thấy khá rõ ai sẽ được lợi trong thế chẳng đặng đừng này.