|
Việc tạo ra cơ quan nội tạng phục vụ cho quá trình cấy ghép luôn vấp phải sự nghi ngờ về tính khả thi. Tiến sĩ Taylor là một trong những nhà khoa học theo đuổi dự án bị liệt vào dạng “điên rồ” vốn chỉ có trong sách báo hoặc phim viễn tưởng. Tuy nhiên, bà khẳng định phương pháp mình theo đuổi có khả năng thành công rất cao, dựa vào cơ chế tự hồi phục nội sinh, hay khả năng tự lành của cơ thể. Tiến sĩ Taylor cho rằng khoa học có thể tận dụng cơ chế này để tối đa hóa khả năng của nó trong việc đẩy lùi bệnh tật và tình trạng lão hóa.
Vào năm 1998, đội ngũ chuyên gia dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Taylor đã đi tiên phong trong việc cấy tế bào gốc cho bệnh nhân sau cơn đau tim. Kết quả là tim người bệnh đã khỏe hơn và vẫn đảm nhiệm tốt công việc lưu thông máu cho cơ thể. Đó cũng là lần đầu tiên cơ chế tự hồi phục nội sinh được áp dụng trong khoa học. Hiện các công trình nghiên cứu nhằm tạo ra các cơ quan nội tạng của con người đang được triển khai, từ nuôi tim đến phổi, thận, gan và lá lách. Đóng vai trò trung tâm của công trình nghiên cứu tim mạch chính là cuộc thí nghiệm nuôi tế bào gan người trong vỏ gan rỗng ruột của chuột. Trong vòng 30 ngày, vỏ gan chuột chứa tế bào người không cần đến thuốc chuyển hóa để tồn tại, trong khi các nghiên cứu về lá lách hợp tác với Đại học Wisconsin đang tiến triển với tốc độ thần tốc. Trở ngại duy nhất hiện nay chính là mối đe dọa về cắt giảm ngân sách trong điều kiện nước Mỹ đang bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công.