Biển cấm xe khách vào đường Chương Dương.
Căn cứ để lực lượng chức năng có thể yêu cầu dừng xe kiểm tra bất cứ xe nào trên 9 chỗ ngồi đi trong TP Quy Nhơn là hầu hết các cửa ngõ vào trung tâm TP Quy Nhơn đều đặt biển cấm xe khách (xe trên 9 chỗ ngồi), nên lực lượng chức năng muốn kiểm tra và xử phạt bất cứ xe nào trên 9 chỗ ngồi cũng được. Thậm chí các lực lượng chức năng còn hỏi ngược (hỏi bí) lái xe là “Ông vào Quy Nhơn bằng đường nào?” (?!).
Sự vô lý này đã diễn ra nhiều năm nay. Những tài xế xe chở khách DL ở các tỉnh khác khi đến Quy Nhơn thường rất e ngại vì thấy đường nào vào thành phố cũng có biển cấm mà không có biển chỉ dẫn đường đi như những thành phố khác. Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế một số đường chính vào TP Quy Nhơn. Đầu tiên là hướng đi vào từ đường Hùng Vương và chợ Dinh, cơ quan quản lý giao thông (CQQLGT) đã đặt biển cấm xe khách ngay ngã ba Ông Thọ (đường Hùng Vương), biển cấm này không có biển phụ nên có hiệu lực cấm đối với tất cả các xe chở người trên 9 chỗ ngồi đi vào đường Hùng Vương về hướng trung tâm TP Quy Nhơn.
Kế đến là hướng đi vào đường Tây Sơn tại bùng binh ngã 5 Hồ Le. Biển cấm xe khách được đặt ngay bên cạnh bảng hoa ở ngã 5. Biển cấm này có hiệu lực cấm đối với xe chở người trên 9 chỗ ngồi vào đường Tây Sơn và đường Chương Dương. Tiếp theo, đường Võ Liệu giáp với quốc lộ 1D (tại mặt Đông của Bến xe khách Quy Nhơn) rất thuận tiện cho du khách từ phía Nam đi vào Quy Nhơn cũng được đặt biển cấm xe chở khách trên 9 chỗ ngồi. Ngay đầu đường Chương Dương cũng có biển cấm xe khách.
Hai con đường lớn và đẹp như Tây Sơn và Chương Dương hướng về biển Quy Nhơn, các khách sạn, khu DL Ghềnh Ráng… đều có biển cấm xe chở khách DL đi vào. Còn con đường Nguyễn Thái Học đông đúc, chật chội, hướng đi không rõ ràng thì lại có biển phụ “không cấm xe chở khách DL”. Không hiểu cách phân luồng giao thông như vậy nhằm đạt được mục đích gì trong quản lý và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông của TP Quy Nhơn? Không biết Sở VH-TT-DL biết tình trạng này hay không khi các đoàn khách DL đến Quy Nhơn thường hay bị làm khó vì các biển báo giao thông như vậy.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết CQQLGT đặt biển cấm như vậy để cấm những xe chở khách theo tuyến cố định và xe “dù” núp bóng xe “chở khách theo hợp đồng” đi vào trung tâm TP Quy Nhơn. Việc này đã được thực hiện từ lâu; và liệu có biết bao nhiêu đoàn khách DL đến Quy Nhơn đã bị làm khó và nảy sinh ấn tượng không đẹp về Quy Nhơn. Thực tế là chỉ cần gắn thêm những biển phụ “không cấm xe chở khách DL” ở bên dưới biển cấm xe khách là đã thỏa mãn yêu cầu quản lý và điều phối giao thông, đồng thời tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến TP Quy Nhơn.
Biển cấm xe khách vào đường Tây Sơn.
Tại nhiều thành phố DL có hệ thống giao thông đô thị chật chội hơn Quy Nhơn, như: Huế, Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh…, hiếm khi nào thấy biển cấm xe khách. Và nếu có thì cũng kèm biển phụ “không cấm xe chở khách DL”. Ngoài ra còn có những biển chỉ dẫn hướng ra vào thành phố hoặc chỉ dẫn đến các điểm DL, điều này thể hiện sự lịch sự và mến khách của các thành phố DL.
Quy Nhơn là một đô thị loại I với mật độ giao thông thấp; tỉnh và thành phố đã chi hàng trăm tỉ đồng để mở mang đường sá, chỉnh trang đô thị ngày càng đẹp để xứng tầm của một đô thị loại I. Hàng năm ngân sách tỉnh đã chi gần cả tỉ đồng để quảng bá nhằm thu hút khách DL về Quy Nhơn. Vậy thì việc đặt biển cấm xe chở khách DL vào Quy Nhơn chẳng khác gì đổ hết công sức, nỗ lực và ngân sách của địa phương… xuống sông xuống biển!
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn trong công tác quản lý, giám sát an toàn giao thông sao cho vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động bình thường cho xã hội, góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển DL, của tỉnh Bình Định nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng.