Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tràn lan ô nhiễm dệt nhuộm !

(12:06:53 PM 20/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trong khi Công ty Thái Tuấn chỉ làm một hệ thống xử lý có công suất quá nhỏ so với nhu cầu thực tế thì rất nhiều cơ sở dệt nhuộm cùng đóng trên địa bàn không hề lắp đặt thiết bị này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn (Công ty Thái Tuấn) vừa bị Cục CSĐT Tội phạm về môi trường (C49)- Bộ Công an phanh phui hành vi xả thải trực tiếp ra kênh Tham Lương. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy bên bờ dòng kênh “chết” này còn có hàng chục cơ sở dệt nhuộm khác ngày đêm thải chất độc vào môi trường ngay giữa lòng TPHCM.

 

Sẵn sàng... gây ô nhiễm !

 

Liên tiếp trong các ngày 17, 18 và 19-8, C49 đã triển khai các biện pháp nhằm làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Thái Tuấn (địa chỉ 1/148 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - TPHCM). Từ nguồn nước thải đậm màu xả thẳng ra kênh Tham Lương, C49 phát hiện doanh nghiệp này lắp đặt hệ thống cống ngầm đường kính 200 mm không có trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và trang bị đến 2 van xả cho mỗi máy nhuộm vải (trong đó có một van xả ra kênh).
 

Nước thải dệt nhuộm chảy ra kênh Tham Lương, đoạn phường Đông Hưng Thuận, quận 12 -TPHCM

 

Ngoài ra, nguồn điện phục vụ cho khu vực xử lý nước thải của Công ty Thái Tuấn được lắp đặt riêng, không cùng hệ thống điện với nhà máy. Giải trình của lãnh đạo Công ty Thái Tuấn cho thấy nhà máy của họ sử dụng khối lượng nước ngầm 1.400 m3/ngày đêm nhưng hệ thống xử lý nước thải được trang bị chỉ có thể đáp ứng tối đa 300 m3/ngày đêm. Hệ quả là cứ mỗi 24 giờ có khoảng 660 m3 nước thải không được xử lý chảy thẳng ra con kênh vốn được xem là ô nhiễm nhất TP.
 

Làm việc với lãnh đạo Công ty Thái Tuấn, C49 yêu cầu khai quật hệ thống cống ngầm đường kính 200 mm, đồng thời giải trình rõ vì sao trang bị 2 van xả cho các máy nhuộm và lý do không thu gom nước thải trong một số khâu sản xuất để đưa vào xử lý. Chưa kể cách lắp 2 van xả thải (1 vào khu xử lý và 1 ra môi trường) tại các máy nhuộm và hệ thống cống ngầm đường kính 200 mm không có trong đề án bảo vệ môi trường mà tới đây Thái Tuấn buộc phải giải trình rõ trước cơ quan chức năng.

 

Tham Lương -“Dòng kênh chết”

 

Góp sức đắc lực trong việc biến kênh Tham Lương thành “dòng kênh chết” còn có hàng chục cơ sở dệt nhuộm khác, tồn tại gần 15 năm nay, tập trung ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, nằm dọc kênh Tham Lương với Công ty Thái Tuấn. Khi qua khu vực này, dễ dàng nhận ra hàng chục ống khói đua nhau nhả những cột khói đen ngòm. Bên dưới là nhan nhản các miệng cống dẫn lênh láng các loại nước thải đủ màu xanh-đỏ-tím-vàng... chảy ào ạt  ra kênh Tham Lương.

 

Mặc dù đây chỉ là một “tổ hợp” tự phát do phần lớn người dân từ miền Bắc vào lập nên, nhưng trông qua thì quy mô chẳng khác nào một khu công nghiệp tập trung. Có hôm chỉ trong một ngày, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an TPHCM (PC49) kiểm tra và lập biên bản cùng lúc 7 cơ sở tại khu vực này. Tất cả đều không có hệ thống xử lý nước thải và bị bắt quả tang xả bẩn trực tiếp ra kênh.

 

Tại cơ sở Nguyễn Quốc Huy (số 60/10H), 5 đường ống thu gom nước thải được kéo trực tiếp vào miệng một hố ga, từ đó xả thẳng ra kênh. Cơ sở Thanh Duẩn (số 60/10B, khu phố 4) có 10 máy nhuộm, công suất 5.000 m vải/ngày; nhưng ngoài 3 miệng ống xả thứ nước thải xuống miệng cống, chủ cơ sở không trình được bằng chứng nào cho thấy hoạt động tẩy nhuộm của mình là hợp pháp. Các cơ sở Võ Quang Tuấn (số 464/27/10/6), Vinh Phương (60/10A), Thanh Tùng (60/10C KP4), Thăng Long (60/8 Nguyễn Văn Quá)…, khi được kiểm tra đều có chung hành vi tương tự là xả nước thải trực tiếp ra kênh Tham Lương. 

 

100% doanh nghiệp dệt nhuộm gây ô nhiễm

 

Trung tá Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng Đội 2-PC49 TPHCM, cho biết đến nay hầu như 100% doanh nghiệp sản xuất ngành dệt nhuộm trên địa bàn TPHCM qua kiểm tra đều phát hiện ô nhiễm nguồn nước thải. Không chỉ các cơ sở nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng vi phạm. Gần đây, qua điều tra của PC49, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An (quận Thủ Đức) 370 triệu đồng và Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công (quận Tân Phú) 420 triệu đồng.

 

 

Bài và ảnh: QUÝ LÂM/ NLĐO