Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rượu thuốc, “thuốc” dân nhậu !

(15:52:42 PM 19/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Với dân nhậu, rượu thuốc không chỉ có chức năng “mua vui, giải sầu” mà còn chữa được nhiều bệnh. Do vậy, các “đệ tử lưu linh” thường nghĩ, uống càng nhiều rượu thuốc thì càng... bổ, chứ không thấy hết những hiểm họa khó lường!

 
Rượu thuốc bổ... ngửa!
 
 
Hiện nay, rượu thuốc là thức uống không thể thiếu tại các nhà hàng, quán nhậu. Các bình rượu thuốc to, cao, ngâm đủ các loại động, thực vật, được các chủ quán nhậu trưng bày trông rất bắt mắt như: rượu tắc kè, chuối hột, rắn, bìm bịp, Minh Mạng thang, Amakong, ngọc dương, mã pín tửu...
 
 
Ấn tượng hơn, bên ngoài các bình rượu thuốc được dán các nhãn mác bằng giấy hồng điều... xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng với các hàng chữ “tàu, ta” lẫn lộn, có nội dung trị được nhiều bệnh, nhưng... tuyệt nhiên lại không hề ghi thêm xuất xứ hay địa chỉ cụ thể!
 
 
Trong số các loại rượu được dân nhậu... ưa thích nhất, là rượu “trị” được các bệnh có liên quan đến vấn đề “sinh lý”, với những câu đề rất kêu, nào là: “Nhất dạ lục giao sinh ngũ hổ!” hay “Ông uống, bà... khen”...
 
 
Các bình rượu thuốc trông bắt mắt!
 

Theo một lương y thuộc Hội y học cổ truyền Đồng Nai, thì tùy theo loại, rượu thuốc có thể trị được các bệnh có liên quan đến xương khớp, sinh lý, đau nhức. Rượu tắc kè trị bệnh suyễn, bổ phổi, thận, tráng dương. Rượu rắn trị tê thấp, đau nhức xương khớp, gân cơ... Rượu chuối hột trị sạn thận, sạn bàng quang. Rượu bìm bịp trị liệt dương, hen suyễn v.v...
 
 
Nhưng với bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai thì cho rằng: “Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học chính thức nào mang tính thuyết phục, chứng tỏ là các loại rượu thuốc phổ biến hiện nay trị được nhiều bệnh. Rượu thuốc chỉ là các bài thuốc Nam, được lưu truyền trong dân gian và cũng chưa có công trình khoa học nào kiểm chứng!”.
 
 
Sở dĩ có tình trạng các bình rượu thuốc tại các quán nhậu không ghi nơi sản xuất, thành phần dược liệu, nhãn hiệu “cầu chứng” là do phần lớn được các chủ quán... tự “sản xuất”!
 
 
Anh PH., chủ một quán nhậu “nghêu, sò, ốc, hến” ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa đã có lần “khoe” với chúng tôi: “Rượu thuốc tại quán tôi rất bảo đảm, do tôi tự pha chế. Rượu ngâm thuốc phải là rượu “ngon”, có nồng độ cao thì thảo dược mới ra hết và... thịt rắn, bìm bịp, ngọc dương, tắc kè... không bị... thúi!”.
 
 
“Nhưng để làm ra một bình rượu rắn khoảng 10 lít, phải tốn bao nhiêu tiền?” - chúng tôi hỏi. “Tùy theo rượu tam xà hay ngũ xà và các vị thuốc ngâm vào phải mất từ 3 đến 5 triệu đồng”. “ Như vậy, anh bán ra mỗi xị bao nhiêu mới... có lời?”. “Tùy theo nước... nhứt, nước nhì, nước ba đến nước... thứ “n”, giá từ 50 - 10 ngàn đồng một xị”. “Như vậy, khi bình rượu rắn ngâm đến nước thứ... “n” thì rắn hay bìm bịp... chỉ còn là cái xác không... mùi!?” Nghe vậy, anh Ph... bèn cười ruồi với chúng tôi.
 
 
Rượu  rắn, bìm bịp...“cây”!
 
 
Phải thừa nhận rằng, các bình rượu thuốc được trưng bày trong các quán rất dễ thu hút dân nhậu. Nhưng anh P., ngụ tại phường Quyết Thắng, một người khá sành điệu về rượu thuốc thì cho rằng: “Rượu thuốc tại các hàng quán bây giờ đa số là rượu “pha”, nguyên liệu thảo dược, rắn, tắc kè... rất đắt. Nếu bán chỉ 10 - 15 ngàn đồng một xị thì lấy gì lời!? Nhưng dù... một xị rượu thuốc có giá 50 ngàn đồng, thì cũng khó mà tin được đó là rượu xịn”.
 
 
Thật vậy, tại một quán nhậu hải sản trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống  Nhất, TP Biên Hòa, có lần chúng tôi nghe được cuộc trao đổi giữa 3 thực khách và chủ quán nhậu này.
 
 
Một thực khách hỏi: Rượu rắn bao nhiêu tiền một xị? Chủ quán...“Mười ngàn”. Mười ngàn thì tụi này không uống, có loại nào xịn hơn không? Chủ quán: “Rượu Minh Mạng thang... nhứt dạ lục giao, 30 ngàn đồng một xị!”. Thế là ba vị khách liền kêu ngay...1 lít rượu “Minh Mạng”, giá 120 ngàn đồng, uống cho bảo đảm!? Thế nhưng, theo sử sách, vua Minh Mạng chỉ tại thế được... 49 tuổi, 6 tháng, 5 ngày!
 
 
Qua cuộc trao đổi này, chúng tôi thầm nghĩ, khó có cơ sở nào để kiểm chứng đó là rượu Minh Mạng thang hay...“dân dã” thang! Bởi, khi quan sát phía hiên sau của quán này, chúng tôi thấy có 5 can nhựa 20 lít chứa rượu pha sẵn đã vơi bớt, có màu vàng vàng, đen đen mà không hề có ghi chú là rượu gì!
 
 
Người kinh doanh rượu thuốc thường đánh vào tâm lý dân nhậu. Vì, hầu như đa số họ thường có tật chỉ...“khó tính, cảnh giác” trước khi rượu “chưa vào”. Mà khi rượu đã vào dăm ba xị, khi đã ngà ngà, thì họ lại rất dễ tính, cho dù chủ quán có lỡ đem “lộn” loại rượu thuốc... 5 ngàn thành... 30 ngàn đồng, họ cũng chẳng thèm quan tâm!
 
 
Qua câu chuyện dân gian “Cá Rô Cây” của cậu học trò nghèo trên đường ứng thí, chúng tôi liên tưởng đến “dân nhậu” trên... bàn nhậu, nhất là nhậu với rượu thuốc. Khi cùng bạn bè nâng ly rượu thuốc thì cứ nhìn vào các con rắn, con bìm bịp, cặp “bạc đạn... dê” nằm trong các bình rượu thuốc bằng thủy tinh để mà... 100% cho “sung độ”!
 
 
Bởi, các bình rượu thuốc ấy trong nhiều quán nhậu, cũng vài ba con rắn đó, con bìm bịp kia, “mã pín” nọ... có khi cả năm trời mà chúng chẳng chịu ra khỏi bình để “trở về với cát bụi”! Do vậy, mà có không ít bình  đã đến lượt “Tửu châm... bách tuần - 100 lần châm”, và các loài động vật nọ chỉ còn là “cây”, là “chất dẻo”, dân nhậu cứ nhìn để tưởng tượng mà uống cho tráng dương, bổ... ngửa!!!
 
 
Ai quản lý rượu thuốc?
 
 
Theo tài liệu của Bộ Y tế, chỉ nửa năm đầu của năm 2008, trong số các ca tử vong do ngộ độc thực phẩm trên cả nước đã có đến 42% số ca do ngộ độc rượu. Cũng vào năm này, dư luận tại TP Biên Hòa xôn xao về vụ ngộ độc rượu rất nghiêm trọng của 5 thanh niên nhậu thịt chuột với rượu thuốc. Hậu quả là anh Đ., ngụ phường Trung Dũng,TP Biên Hòa tử vong, 4 thanh niên còn lại thoát chết, nhưng di chứng để lại thì sống cũng như chết!
 
 
Nguy hiểm nhất là những người bán dạo rượu bình, rượu can, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được “thồ” trên xe máy, mà dân kinh doanh rượu gọi là “rượu pha”. Để làm ra 20 lít rượu này, chỉ cần 2 viên “men hóa chất” mua trôi nổi trên thị trường bỏ vào 20 lít nước, khuấy đều, sau vài giờ là... thành rượu “cao độ”!
 
 
Anh Nguyễn Văn Đàng, ngụ tại phường Trung Dũng kể: “Có lần đang đến một con hẻm vắng ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tình cờ tôi phát hiện một thanh niên đang múc nước dưới con rạch gần đó, rồi đổ vào 2 can nhựa lớn.
 
 
Tò mò, tôi dõi theo thì thấy thanh niên này bỏ vào can... nước mấy viên gì màu trắng, sau đó dùng cây que tre nhặt bên bờ rạch, khuấy đều. Phát hiện thấy tôi đang theo dõi, gã thanh niên này vội máng 2 can... nước này lên xe máy dựng gần đó rồi dông mất, để lại “mùi cồn” phảng phất đâu đây!”  
 
 
Các can rượu thuốc “pha sẵn” được giấu ở một góc quán
 

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được ông cho biết: “Tình hình buôn bán rượu nói chung, rượu thuốc nói riêng là rất phức tạp! Với rượu thuốc được bày bán trong các hàng quán thì đã... phân cấp cho các trung tâm y tế địa phương, huyện, phường xã  quản lý.
 
 
Theo quy định, nếu rượu mang tiêu thụ mà không có nhãn mác, thành phần, xuất xứ thì bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, nghiêm trọng hơn có thể phạt đến 26 triệu đồng!”. Thế nhưng, có lẽ do... mức phạt quá cao như vậy, nên các cơ quan chức năng cũng không... nỡ kiểm tra rượu thuốc tại các hàng quán nhậu “bình dân”, vì sợ... lỡ các chủ quán không có tiền đóng phạt, thì lúc ấy phải làm sao!?
 
 
Cuối cùng, thì rượu thuốc vẫn cứ “vàng thau lẫn lộn” được bày bán tràn lan, trong khi theo chúng tôi được biết, việc quản lý mặt hàng rượu thuốc hiện đang có đến... hai ngành. Trong đó, “rượu” thuộc ngành công thương quản lý, còn “thuốc” thì thuộc ngành y tế!...

 

Theo Lê Hoàng (Báo Đồng Nai)