Theo ông Tô Bữu Đạt, Trưởng ban Quan Đế Miếu (Phan Thiết) cho hay, những năm cuối thế kỷ 17, người Hoa đến Bình Thuận định cư. Sau khi ổn định cuộc sống, họ bắt đầu xây dựng chùa, miếu, hội quán… thiết lập tín ngưỡng, duy trì văn hóa. Các hội quán: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… là nơi thờ tổ tiên, cũng là nơi nương tựa về mặt tinh thần của người Hoa những ngày đầu sang Việt Nam.
Năm 1778, Quan Đế Miếu (nay chùa Ông) được xây dựng. Sau khi xây Quan Đế Miếu xong, lễ hội Nghinh Ông hình thành, đáo lệ 2 năm 1 lần, vào tháng 7 của năm chẵn.
Theo tín ngưỡng có lễ hội thì phải có rồng, biểu tượng cho sự may mắn, bình an… Rồng thanh long màu xanh lá cây dài 49 mét làm bằng mây và tre, gồm 1 đầu, 15 sườn bụng, 3 sườn đuôi. Đầu rồng to và trái châu hình quả cầu được làm bằng mây, bởi mây vừa cứng bền vừa dẻo. Tổng cân nặng đầu rồng là 60kg.
Đầu rồng và trái châu hiện nay là đầu rồng của ngày xưa để lại, đã trên 100 tuổi. Mỗi lần đến hội Nghinh Ông, những người trong đội múa rồng thường mang đầu rồng ra sơn phết lại, hoặc bọc vải mới nhưng khung đầu rồng thì vẫn giữ nguyên. Bình thường rồng được tháo ra thành nhiều bộ phận rời. Khi chuẩn bị múa, thì mất 2 ngày lắp ráp rồng.
Để thực hiện chương trình múa rồng cần 150 người, có 120 vũ công múa luân phiên, số người còn lại biểu diễn cờ, trống, nhạc cụ.