Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cửa thiền thanh tịnh

(16:39:01 PM 16/08/2011)
(Tin Môi Trường) - Thí chủ có nhớ hồi đó đứa trẻ... như thế nào không?

 

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

     

Sư cô Minh Thái đăm đăm nhìn người đàn bà đang run rẩy như một cơn gió ngồi ở khách đường.

 

Chợt nhớ tối nọ, sau khi thỉnh chuông, sư cô nhìn con bé quở trách: “Hôm nay con không chú tâm vào việc tụng niệm!”.

 

Con bé ngước đôi mắt có nước: “Sao ba má con lại bỏ con hở sư cô?”.

 

Có chiếc lá bàng xuyên qua bóng đêm, rơi xuống hiên chùa. Sư cô ôm con bé vào lòng: “Không phải đâu con. Chắc tại vì cuộc sống quá khó khăn, ba má con nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu gửi con vào cửa Phật”.

 

“Ước gì con được gặp má con, dù chỉ một lần”.

 

Giờ, mẹ con bé đã trở lại, không lam lũ, khổ sở như sư cô vẫn nghĩ. Đó là một người đàn bà đẹp, sang trọng. Nhưng đôi mắt... Vừa gặp, sư cô đã giật mình. Đôi mắt như có nước.

 

“Nhiều đêm tôi mơ thấy con bé. Tôi quấn nó trong cái khăn lông cũ màu vàng rồi... rồi bỏ nó trong cái chậu hoa chưa trồng ở phía trước chùa... Con bé vừa đầy tháng. Trong mơ, tôi nghe nó khóc gọi má ơi...”.

 

***

 

Đứa con gái nhỏ hay tìm về trong đêm, đội chiếc mũ che kín cái đầu trọc. “Vẫn còn đau hở con? Đến giờ mà vẫn còn đau sao con?”. “Má ơi con ngộp thở”. Từng lời như những mũi kim đâm vào tim. “Nếu má có thể chết đi để cho con không còn đau... Nếu má có thể chết đi để cho con sống khỏe mạnh...”. “Làm sao mà dễ dàng chết được hở má? Làm sao mà có thể đánh đổi như vậy hở má?”.

 

Những câu hỏi của con bé như ngọn gió, lơ lửng trong không trung.

 

Giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư xương, những cơn đau liên tiếp kéo đến. Cơn đau truyền sang người mẹ. Nhân lên, nhân lên. “Chừng nào... chừng nào con chết thì sẽ hết đau... phải không má?”.

 

Một buổi sáng. Lả đi như bông hoa bị phơi dưới trời nắng gắt, con bé thì thào mẹ ơi con muốn ra ngoài sân chơi. Người mẹ thay bộ đồ đẹp cho con rồi bế con ra trước hiên nhà. Nắng đã vàng trên những luống rau trước sân. Những luống rau mà người mẹ trồng cho từng bữa ăn của con, khi con bé vẫn còn ăn được cháo xay nhuyễn. Nắng cũng đã vàng trên mái ngói đã mòn mỏi, lỗ chỗ dột lúc trời mưa nhưng chưa có tiền sửa sang lại sau khi cha con bé bỏ đi biệt, có thể vì làm ăn thua lỗ, có thể vì không muốn nhìn thấy đứa con bệnh tật. Con bé khó nhọc đưa mắt nhìn chung quanh. Nó thầm thì: “Trời xanh quá!”.

 

Người mẹ mang sữa đến nhưng con bé chầm chậm lắc đầu. Chầm chậm, nó nhấc bàn tay với những ngón như củi khô, chạm vào bàn tay như chiếc lá ngả màu đang cầm ly sữa. “Con muốn ngủ...”.

 

...Nắng đã rời khỏi hiên nhà từ lâu, con bé vẫn nằm như đang ngủ. Trời rất xanh và bầy chìa vôi vẫn chíu chít trong vườn. Hình như có nụ cười thấp thoáng trên gương mặt con bé.

 

Người mẹ ôm con trong vòng tay, không một giọt nước mắt nào rơi từ đôi mắt đã kiệt sức nhìn những thử thách của cuộc sống. Ồ, con bé sẽ không bao giờ đau đớn nữa!

 

Người mẹ suy tính sau đây mình phải làm gì. Có quá nhiều việc phải làm. Mà kỳ lạ chưa, giữa lúc bộn bề như vậy, người mẹ lại thấy một ngôi chùa chập chờn trước mắt.

 

***

 

Chừng hơn một tháng sau, người phụ nữ với đôi mắt có nước trở lại chùa.

 

- Thưa sư cô, tôi... tôi xin được đón con bé về... để bù đắp cho cháu...

 

Tách trà trên tay sư cô Minh Thái chao đi.

 

Chẳng phải sư cô vẫn cầu nguyện có một ngày, những người cha người mẹ từng đem con đặt trước cửa chùa trong chiều chập choạng sẽ hồi tâm chuyển ý mà tìm lại giọt máu của mình? Lẽ nào niềm mong mỏi có thể khác đi, với đứa trẻ mà gần mười năm trước, sư cô đã nhìn thấy trong cái chậu hoa trống trước sân?

 

Mỗi khi sư cô Minh Thái bế đứa trẻ với đôi mắt có nước trên đôi tay như cành cây khô, từ thân thể bé bỏng kia truyền sang hơi ấm vô cùng trìu mến. Và thời gian quay ngược trở lại, chớp mắt bỗng thấy hiện ra ngôi nhà tuềnh toàng ở giữa khu vườn tràn trề gió. Sư cô Minh Thái tự hỏi đây là món quà của Đức Phật, hay đứa con đoản mệnh đã đầu thai vào đứa trẻ này?

 

- Vậy... được không sư cô? Chúng tôi xin đón cháu về được không sư cô?

 

Người phụ nữ hỏi dồn, đôi mắt vừa khắc khoải vừa lấp lánh hi vọng.

 

Sư cô Minh Thái chậm rãi:

 

- Liệu người chồng bây giờ của thí chủ có chấp nhận cháu bé không? Có yêu thương cháu bé không?

 

- Tất nhiên, tất nhiên là chấp nhận - người phụ nữ vội vã trả lời - Anh ấy cũng từng trắc trở. Anh ấy sẽ thương yêu con bé như con ruột.

 

Rồi chị ta bước vội ra cửa, gọi: “Anh ơi!”.

 

Người đàn ông đang thơ thẩn ngắm cảnh vội vã vào khách đường. Và, một cơn gió bấc xộc vào, lạnh buốt.

 

Cuộc đời sao lại trớ trêu đến vậy?

 

Sao lại có người quay lưng với đứa con bệnh tật của mình để rồi hơn hai mươi năm sau đón nhận một đứa trẻ xa lạ bằng lời hứa thương yêu?

 

Sư cô Minh Thái cứ ngỡ mình đã gột rửa những hỉ nộ ái ố trong tiếng tụng niệm sớm chiều. Nhưng sau hơn hai mươi năm, gặp lại người đàn ông đã để mặc hai mẹ con bà chìm trong khốn khó, bao tủi hờn lại trào lên. “Thí chủ về đi! Xin đừng đòi hỏi gì về đứa trẻ đã bị từ chối”.

 

Lời định nói chưa thể thốt ra thì tiếng chuông đã vang lên.

 

Tiếng chuông rơi trong chiều tàn, loang ra như khi người ta ném một viên sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng. Rồi từng chút một, tiếng chuông dâng lên, dâng ngập khách đường, nơi có hai người mẹ. Và hai nỗi đau.

 

Hình như Đức Phật đang từ trên cao nhìn xuống.

 

Người đàn bà với đôi mắt ầng ậc nước vẫn đang chờ đợi.

 

“Việc này... việc này sẽ tùy thuộc vào con bé”.

 

Sư cô Minh Thái nói rồi quay bước.

 

Ở gian phòng bên chánh điện, mấy đứa trẻ đang đọc kinh chiều, giọng trong trẻo cất lên như tiếng hát.

PHƯƠNG TRÀ/ Tuổi Trẻ